Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Tìm hướng đi bền vững cho “Táo sơn tra Sơn La”

PV - 15:40, 18/08/2021

Với tổng diện tích 12.840 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 33.310 tấn quả tươi, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng sơn tra lớn nhất cả nước. Ngoài việc tiêu thụ quả tươi và khô, tỉnh đang kết nối với các doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy chế biến sâu sơn tra để giảm áp lực mùa vụ.

Táo sơn tra trồng ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (Mường La) quả to hai má hồng
Táo sơn tra trồng ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (Mường La) quả to hai má hồng

Sơn tra - Hương vị vùng cao

Cây sơn tra còn được gọi bằng một số tên khác, như: Táo mèo, táo rừng, chi tô dì (tiếng Mông), mắc cắm (tiếng Thái), được trồng tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao của các huyện Thuận Châu, Mường La và Bắc Yên, nơi mây mù bao phủ quanh năm, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp. Quả sơn tra từ lâu được biết đến như một hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Từ tháng Giêng cây bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch quả từ tháng 9 đến hết tháng 11 hàng năm. Đây là một trong những cây trồng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cho hàng nghìn hộ dân vùng cao.

Ai đã từng đến với Sơn La và thưởng thức hương vị quả sơn tra sẽ không thể nào quên; dưới lớp vỏ màu vàng chanh hoặc rám hồng là những miếng sơn tra có mùi thơm đặc trưng, vị chát ngọt, chua dôn dốt được nhiều công ty thu mua để chế biến nước quả, rượu vang, mứt, ô mai, giấm… Quả sơn tra thái lát phơi khô còn là bài thuốc Đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa, huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường.

Với những công dụng quả sơn tra mang lại , nhiều gia đình ở Sơn La, cứ đến vụ sơn tra đều ra chợ mua về ngâm rượu, ngâm đường. Người thì mua quả tươi về thái lát phơi khô để hãm uống dần trong năm, nhà ít thì 10kg nhiều thì vài yến. Nhiều quán ăn còn ngâm rượu sơn tra để phục vụ khách hàng và bán cho khách mang về làm quà cho người thân, bạn bè trên mọi miền của Tổ quốc.

Người dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La thu hái sơn tra
Người dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La thu hái sơn tra

Tháng 9/2018, táo sơn tra Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”. Công ty TNHH Bắc Sơn, Hợp tác xã (HTX) Sơn tra Nậm Lộng, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp sơn tra Bắc Yên được Sở KH&CN cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”.

Chủ động kết nối tiêu thụ sơn tra

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các chợ đầu mối bị đóng cửa khiến cho tiêu thụ sơn tra tươi gặp khó. Hiện, ở Sơn La mới có Công ty TNHH Bắc Sơn, huyện Bắc Yên thu mua và chế biến các sản phẩm từ sơn tra với công suất trung bình 100 tấn quả/năm. Còn Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ chưa lắp ráp dây chuyền sản xuất sơn tra. Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc - TAFOOD năm 2018 sản xuất thử nghiệm thành công các sản phẩm sơn tra nhưng đến nay cũng chưa thu mua chế biến thương phẩm.

Vì vậy, sản lượng còn lại được người dân bán cho các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận, một phần sản lượng quả các hộ thát lát phơi khô bán cho các cơ sở chế biến dược liệu.

Thông tin về việc tiêu thụ sơn tra đầu vụ, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Mường La hiện có 2.129 ha sơn tra, tập chung chủ yếu tại các xã Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Muôn, Chiềng Ân và một số bản tại xã Hua Trai. Trong đó diện tích cho quả khoảng 920 ha, năng suất đạt trung bình khoảng 7,43 tấn/ha, sản lượng quả sơn tra năm 2021 ước đạt 6.800 tấn. Tính đến 9/8, huyện đã kết nối các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu thụ được 35 tấn quả tươi. Hiện, khoảng 20 HTX, hộ kinh doanh đang thu mua, tiêu thụ sơn tra cho người dân.

Quả sơn tra được người dân Mường La phơi khô đem bán
Quả sơn tra được người dân Mường La phơi khô đem bán

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ông Sùng A Di, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Công (Mường La) chia sẻ: Xã đang có trên 500 ha sơn tra cho thu hoạch. Vụ sơn tra năm nay, tuyến đường từ ngã ba xã Chiềng Công đến xã Chiềng Hoa dài hơn 8 km đã được đổ bê tông, giúp cho việc vận chuyển bán sơn tra thuận lợi, bà con rất phấn khởi.

Ông Thào A Pạnh, bản Đin Lanh, xã Chiềng Công, thông tin: Nhà tôi có hơn 2 ha sơn tra, trong đó gần 1 ha cho thu hoạch quả. Từ đầu vụ đến nay, gia đình mới thu hái bán được gần 2 tạ, giá 3.000 đồng/kg. Cán bộ xã hướng dẫn người dân nếu giá sơn tra rẻ, gia đình sẽ thu hái về để chờ được giá mới bán vì quả sơn tra để tự nhiên được 1 - 2 tháng, còn vùi trong cát thì được 3 - 4 tháng.

Tại huyện Bắc Yên có 2.585 ha sơn tra, dự kiến vụ sơn tra năm nay có 1.531 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 1.828 tấn, tập trung chủ yếu tại các xã: Xím Vàng, Háng Đồng, Hang Chú, Làng Chếu. So với các địa phương khác, sơn tra Bắc Yên thời vụ thu hoạch muộn hơn, thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Trên địa bàn hiện nay có Công ty TNHH Bắc Sơn, trung bình mỗi năm thu mua 100 tấn để chế biến, các HTX trên địa bàn thu mua khoảng 400 tấn.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên thông tin: Trên địa bàn huyện, ngoài các công ty, HTX thu mua, chế biến thì huyện đang kết nối với Công ty Thuốc Nam Thúy Kiều tại Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 1.200 tấn để chế biến bột sơn tra, giấm, mứt từ quả sơn tra và dùng để chế biến dược phẩm. Công ty đang xúc tiến các bước, để có thể thu mua chế biến.

Người dân bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (Mường La) thu hái sơn tra
Người dân bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (Mường La) thu hái sơn tra

Quả sơn tra ở Thuận Châu cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Toàn huyện có 5.167 ha, trong đó 1.700 ha cho thu hoạch, sản lượng dự kiến trên 4.200 tấn, tập trung ở các xã Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông. Trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến quả sơn tra, vì vậy trên 90% sản lượng được tiêu thụ dưới dạng quả tươi cho tư thương.

Phát triển bền vững cây sơn tra

Bàn về giải pháp thị trường, xúc tiến tiêu thụ sơn tra tại cuộc họp tư vấn liên ngành về phương án tiêu thụ sơn tra năm 2021 và các năm tiếp theo, ông Phùng Mạnh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: Ngành sẽ làm việc với Tập đoàn TH TrueMilk đề nghị bổ sung công nghệ chế biến sơn tra vào “Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ”. Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phối hợp với các huyện xây dựng video, clip về cây sơn tra để phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá trên các trang điện tử và tại các hội chợ,

Xây dựng văn bản và các ấn phẩm gửi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để quảng bá tại các hội nghị trực tuyến giao thương; xây dựng văn bản gửi các tỉnh và cung cấp danh sách các doanh nghiệp, HTX, đầu mối thu mua quả sơn tra đề nghị hỗ trợ tiêu thụ. Phối hợp cơ quan truyền thông, đặc biệt là VTV1 hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm sơn tra. Đề xuất tỉnh bổ sung quả sơn tra là 1 trong 6 sản phẩm quả của tỉnh Sơn La vào doanh mục quả được gửi tham dự triển lãm trái cây, rau củ quả của 90 nước tại Italia diễn ra từ ngày 6 - 9/9.

Những cách rừng sơn tra ở xã Ngọc Chiến (Mường La) đang vào vụ thu hoạch
Những cách rừng sơn tra ở xã Ngọc Chiến (Mường La) đang vào vụ thu hoạch

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục kết nối, có nhiều phương án đưa quả sơn tra đến tay người tiêu dùng và cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến. Cụ thể, đề xuất các cơ chế, vận dụng chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp trong đó có hoạt động đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm sơn tra; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX kết nối đưa sản phẩm “Táo sơn tra Sơn La” lên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Voso, Lazada, Shopee...

Ban Chỉ đạo 598 tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT tổng hợp lại diện tích cây sơn tra hiện có, làm rõ diện tích cây đang khép tán và sản lượng quả để nghiên cứu giải pháp và định hướng chiến lược phát triển cây sơn tra. Nghiên cứu phát triển các giống táo sơn tra có năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng địa phương; xây dựng quy trình sản xuất, chăm sóc, chế biến theo hướng ứng dụng công nghệ cao… Sở KH&CN đặt hàng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các hoạt chất, công dụng quả sơn tra để phục vụ cho việc quảng bá “Táo sơn tra, Sơn La”. Tiếp tục tham mưu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về sơ chế, chế biến sơn tra trên địa bàn tỉnh.

Sự quan tâm, chủ động vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành chức năng của tỉnh không chỉ hỗ trợ các huyện kết nối tiêu thụ sơn tra năm 2021 hiệu quả, mà còn gợi mở hướng đi bền vững cho sơn tra./.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.