Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hương ước, quy ước với sự thay đổi trong vùng DTTS

Văn Hoa - 15:35, 10/11/2021

Trong vùng DTTS và miền núi, hương ước, quy ước thôn, bản có vai trò là thiết chế tự quản của cộng đồng, hỗ trợ đắc lực cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm những quy ước, hương ước, còn đang góp phần tăng thêm tinh thần cố kết cộng đồng, cũng như thay đổi nếp sống của đồng bào…

Hương ước, quy ước tăng tinh thần cố kết cộng đồng. (Trong ảnh: Chi hội Phụ nữ Cao Sơn Thượng, Hoàng Su Phì, Hà Giang giúp nhau phát triển kinh tế)
Hương ước, quy ước tăng thêm tính cố kết cộng đồng. (Trong ảnh: Chi hội Phụ nữ Cao Sơn Thượng, Hoàng Su Phì, Hà Giang giúp nhau phát triển kinh tế)

Thay đổi nếp sống

Ông Cư A Dín, Trưởng thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, thôn có 71 hộ dân, 392 nhân khẩu, với 100% là người Mông. Ngoài việc chấp hành hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước, thì từ việc thực hương ước, quy ước thôn đề ra, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân Ba Khuy có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là những thay đổi của đồng bào trong việc cưới, việc tang, trong phát triển kinh tế, bảo vệ rừng…

Minh chứng như trước kia, tổ chức đám cưới, các gia đình thường ăn uống dài ngày, thì hiện nay, thôn đã thống nhất tổ chức ăn 1 ngày, chỉ 1 bữa chính. Việc thách cưới cũng giảm đi rõ rệt, bà con thực hiện nghiêm quy định của xã Nà Hẩu là, mỗi đám cưới không thách quá 2,6 triệu đồng tiền mặt. Đặc biệt, âm thanh, loa đài không được bật sau 22h đêm, để tránh gây ảnh hưởng cuộc sống của người trong thôn, bản.

Việc tang cũng quy định không vượt quá 48 tiếng đồng hồ, người mất phải để trong quan tài để bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, một quy định khá nhân văn đã được bà con thực hiện thành thông lệ là, nếu nhà nào trong thôn có người mất, là mỗi gia đình sẽ đóng góp 5kg thóc hoặc ngô hạt, để hỗ trợ gia chủ giảm bớt khó khăn.

Trong bảo vệ rừng, ngoài những quy định chung của Nhà nước, theo quy ước chung của thôn, vào 30/1 (âm lịch), bà con sẽ tổ chức Lễ hội cúng rừng. Toàn thể dân làng sẽ mang gà, lợn đến cúng ở gốc cây to trong rừng để cầu một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, không có ốm đau, bệnh tật… 

Và sau ngày hôm đó, ngày mùng 2, 3 cả thôn, xã không ai được lên rừng. Trong Lễ cúng rừng sẽ lồng ghép việc tuyên truyền Nhân dân trân quý rừng, chung sống hòa thuận và bảo vệ rừng. Nhờ đó, mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, với diện tích trên 60.000 ha, trong đó có gần 5.000 ha rừng đặc dụng nguyên sinh được bảo vệ.

Hương ước, quy ước của thôn Ba Khuy, cũng có những quy định rất rõ ràng về việc bảo vệ mùa màng. Theo đó, nhà nào để gia súc phá hoại hoa màu thì phạt 100.000 đồng/con (nộp vào quỹ thôn) và bồi thường theo thiệt hại thực tế cho chủ nhà (chủ vườn). Nhờ đó, mà đến nay, tình trạng chăn thả trâu, bò tự do được hạn chế, ít khi xảy ra tình trạng trâu bò phá hoại mùa màng, Nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, đời sống ấm no hơn…

Tương tự tại các thôn, làng trong cộng đồng người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, cũng xây dựng hương ước, quy ước rất chặt chẽ. Như tại thôn Quang Minh, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo có tới 95% dân số là người Sán Dìu, có quy ước: Không bật loa đài quá 22h đêm; không vứt gia súc, gia cầm chết ra ngoài môi trường mà phải chôn lấp; mỗi gia đình góp 2kg gạo, 20.000 đồng và thôn cử đội lo mai táng đến giúp đỡ gia đình có người mất…

Bản quy ước của người Dao tại thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai) quy định: Hàng năm vào ngày 2 tháng Giêng, trưởng các dòng tộc trong bản sẽ họp và cử ra một người làm chủ lễ, một người làm chủ rừng và 3 người giúp việc làm nhiệm vụ chế biến đồ lễ. Ngày lễ chính, mỗi gia đình phải cử 1 người đại diện là nam giới tham gia. Trong 3 ngày làng tổ chức lễ cúng rừng, mọi người trong làng tuyệt đối không được đi làm nương, lấy củi, chặt cây rừng. Các gia đình đều phải có nghĩa vụ đóng góp cho làng tổ chức lễ cúng theo từng năm.

Hương ước, quy ước thôn, bản giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Hương ước, quy ước thôn, bản giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tính "mở" của quy ước, hương ước

Trên thực tế, hầu hết các DTTS ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đều có hương ước, quy ước. Các hương ước, quy ước được xây dựng, chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ tự quản tại cộng đồng dân cư, là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực xã hội - dân sự mà pháp luật không điều chỉnh; hoặc chỉ điều chỉnh ở mức độ quy định các nguyên tắc chung như: Việc tổ chức ma chay, cưới xin, bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, giải quyết các tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong Nhân dân, cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng...

Có thể thấy rằng, nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng; khơi dậy, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, bản, dòng họ; bố cục ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nhiều thôn, bản đã lồng ghép việc xây dựng hương ước, quy ước với nội dung các cuộc vận động trong phong trào xây dựng làng, bản, khu dân cư văn hóa với những nội dung cụ thể, thiết thực..., góp phần đưa tỷ lệ khu dân cư được công nhận văn hóa đạt tỷ lệ ngày càng cao.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng hương ước, quy ước tại vùng DTTS cũng phải bắt nhịp với yêu cầu của cuộc sống và cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Ví như các quy tắc, chuẩn mực đạo đức truyền thống không còn phù hợp được sửa đổi, hay các quy tắc chuẩn mực đạo đức mới được hình thành... có thể đưa vào hương ước, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.