Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Huyện Bảo Yên triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững

Trọng Bảo - 6 giờ trước

Là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, theo đó trong những năm qua, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã đưa nhiều giống cây con mới có giá trị kinh tế vào nuôi trồng và từng bước hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cây chuối góp phần nâng cao thu nhập cho người dân KIm Sơn
Cây chuối góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Kim Sơn

Nhìn từ thực tiễn

Kim Sơn là xã vùng 3 của huyện Bảo Yên, đời sống bà con Nhân dân còn nhiều khó khăn. Để từng bước nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp; đặc biệt là đa dạng hóa sinh kế để nâng cáo giá trị trên cùng diện tích canh tác.

Cách đây 2 năm, hộ gia đình anh Lương Văn Ngọc ở thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn được lựa chọn tham gia dự án “Liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP”. Khi tham gia dự án, gia đình anh Ngọc được hỗ trợ về giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối theo tiêu chuẩn VietGAP và được bảo đảm đầu ra. Anh Ngọc cho biết: Trồng chuối thì yêu cầu kỹ thuật, chăm sóc cũng không quá khó mà cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa.

“Gia đình tôi trồng 1,2ha, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 25 tấn chuối quả; tính ra cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ bán chuối quả mà thân cây cũng được đơn vị liên kết thu mua để sản xuất tơ sợi, đây cũng là một nguồn thu nhập khá”, anh Ngọc chia sẻ.

Cùng với cây chuối thì cây dâu tằm, bưởi da xanh, hồng không hạt… là những cây trồng chủ lực đã và đang được xã Kim Sơn đưa vào trồng và từng bước mở rộng diện tích. Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn Nguyễn Văn Dũng cho biết: Để từng bước đưa các giống cây trồng mới vào thay thế các cây trồng truyền thống, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của xã. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho từng loại cây trồng theo hướng “cầm tay chỉ việc” để bà con nắm chắc từng khâu…

“Hết năm 2024, toàn xã Kim Sơn có trên 20ha dâu tằm, gần 15ha bưởi da xanh, trên 14ha hồng không hạt, 46ha chuối… Đây là những cây trồng mà chúng tôi xác định sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác giảm nghèo của Kim Sơn đã đạt được những kết quả tích cực. Hết năm 2024, toàn xã chỉ còn 5,34% hộ nghèo và 5,24 hộ cận nghèo”, ông Dũng cho biết thêm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2020-2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, Huyện uỷ, UBND huyện Bảo Yên luôn quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, từ đó giải quyết kịp thời những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện các nội dung, dự án giảm nghèo bền vững luôn có sự phối hợp, hướng dẫn, trao đổi giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chủ trì với UBND các xã, thị trấn, trưởng thôn, bản thụ hưởng từ chương trình nhằm bảo đảm việc thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Dâu tằm cũng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bảo Yên
Dâu tằm cũng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bảo Yên

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Chúng tôi đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gắn với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Giảm nghèo bền vững. 

Qua đó, đã xây dựng được hàng chục dự án hỗ trợ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cụ thể như: Dự án liên kết sản xuất Quế theo chuỗi giá trị theo hướng hữu cơ; Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP; Dự án phát triển vùng cây ăn quả nhiệt đới, cây ăn quả theo chuỗi giá trị; Dự án phát triển trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị… Hiện nay, các dự án này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm; chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS… được huyện quan tâm, chỉ đạo triển khai và mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2024, toàn huyện đã tổ chức đào tạo mới 1.880 lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; mở 38 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với khoảng 1.330 học viên... Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 65%. Dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo, của 17 chương trình tín dụng đạt 656.860 triệu đồng với hơn 10.200 hộ được vay vốn…

“Với cách làm hiệu quả, bằng nhiều giải pháp tích cực, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hết năm 2024, toàn huyện Bảo Yên còn 1.307 hộ nghèo (giảm 401 hộ so với năm 2023), hộ cận nghèo giảm 202 hộ còn 1.112 hộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người/năm”, ông Dũng nêu rõ.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác
Bảo Yên phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác

Với những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo, huyện Bảo Yên đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS; đầu tư có hiệu quả các Dự án hỗ trợ thuộc các Chương trình MTQG. Làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người nghèo nâng cao nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm với thu nhập ổn định… phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo toàn huyện năm 2025 đạt 2,5%.

Tin cùng chuyên mục
“Đưa” công nghệ số về bản

“Đưa” công nghệ số về bản

Những thành viên Tổ công nghệ cộng đồng đã trở thành “cầu nối” để đưa công nghệ số về bản. Giờ đây, dưới những mái nhà sàn, trong những bản vùng xa ở Quảng Trị, bà con DTTS đã tiếp cận được thông tin chính thống, sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến.