Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

H’Uyên Niê: Người hóa giải “lời ru buồn” trên vùng non cao

Ngọc Thu - H. Minh - 11:00, 10/06/2022

Với dáng người cao, đôi chân dài, hàng ngày chị H’Uyên Niê thoăn thoắt vượt đèo, lội suối đi khắp các thôn làng để gần gũi, giúp đỡ mọi người; đồng thời tuyên truyền đến từng gia đình xóa bỏ tảo hơn, chuyên tâm làm ăn, tích cực tham gia các phong trào phát động của địa phương... Những việc làm của chị H’Uyên Niê đã in dấu tốt đẹp trong lòng người Gia Rai ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai.

Chị H’Uyên Niê tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình tại các thôn, làng
Chị H’Uyên Niê (ngoài cùng bên phải) tích cực đến các buôn làng, gần gũi với các gia đình để tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình

Lấy chồng từ thuở 15

Cô gái Ê Đê, H'Uyên Niê sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Khi gặp và yêu anh Siu Thúp - chàng trai người Gia Rai ở vùng đất Ia Mơ Nông, chị đã theo anh về làm dâu và gắn bó với vùng đất này. Về với buôn làng người Gia Rai, phong tục, tập quán cũng khác nhiều so với người Ê Đê, vì vậy, để bắt nhịp với vùng đất mới, chị H’Uyên đã thay đổi cách sống, học tiếng Gia Rai và trở thành Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Mơ Nông. Trên cương vị này, chị tích cực đến các thôn làng, gần gũi, nói chuyện, tâm sự cùng bà con. Nhờ vậy, dân làng ai cũng yêu mến chị H’Uyên.

Là xã vùng cao, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt, tỷ lệ tảo hôn, bạo lực gia đình còn cao. Trong quá trình tiếp cận để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chị H’Uyên nhớ nhất là em Rơ Châm P. đang là học sinh lớp 9, vì yêu bạn trai cùng tuổi trong làng mà em P. muốn nghỉ học để kết duyên. 

Chị H’Uyên kể: Theo lời dân làng, mình đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, cùng già làng, thôn trưởng tới tận nhà em P. để tìm hiểu và ngăn chặn việc tảo hôn. Theo em P., vì nảy sinh tình cảm với bạn trai nên lúc nào cũng nghĩ về bạn ấy. Những con chữ cũng chẳng thể lưu lại được trong đầu. Giờ em chỉ muốn đưa bạn ấy về ở cùng. P. tâm sự, một số bạn của em ở các xã lân cận cũng đã lấy chồng rồi.

Nghe đến đây, mình đã nhẹ nhàng giải thích, tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn. “Khi gia đình có người tảo hôn sẽ phải chịu phạt theo hương ước của làng đã ký với chính quyền địa phương. Dân làng cũng không đi dự đám cưới của 2 em khi chưa đủ tuổi. Cùng với đó, mình vận động em P. nếu không thể đi học văn hóa được thì sẽ hướng dẫn đi học nghề. Chờ khi suy nghĩ chín chắn, đủ tuổi mới được kết hôn. Mưa dầm thấm lâu, em P. đã kịp thời nhận thức được và dừng lại đám cưới. Mình cùng dân làng rất vui khi đã kịp thời giúp em P. tránh được vi phạm về Luật Hôn nhân và Gia đình".

Đây chỉ là một trong những trường hợp mà chị H’Uyên đã kịp thời ngăn chặn. Bởi trước đây, không chỉ làng Kép 1 mà còn ở làng Al, Phung, A Mơng… cũng có rất nhiều trường hợp tảo hôn. Thậm chí còn nhiều hủ tục như thách cưới, ăn lễ linh đình 3 - 5 ngày đêm, sinh nhiều con... Vì vậy, chưa ngày nào chị H’Uyên hết trăn trở về cuộc sống muôn vàn khó khăn, cùng với hậu quả nạn tảo hôn treo trên đầu những cặp bố mẹ “nhí”. Bằng chính tâm huyết của mình, chị đã quyết tâm tìm cách hóa giải “lời ru buồn” trên chính thôn làng mình sinh sống.

Hóa giải “lời ru buồn”

Xã Ia Mơ Nông có 5/6 buôn làng người Gia Rai, người DTTS chiếm đến khoảng 80% dân số, trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội quan tâm, nhưng vấn nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại. 

Năm 2017, trở thành người con của dân làng Gia Rai, nhằm chung tay xoá bỏ tảo hôn, chị H’Uyên đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với Hội LHPN vận động liên kết với trường dạy nghề, giúp các em vừa có nghề trong tay, lại hoàn thành chương trình học. Cùng với đó là, tạo sinh kế bền vững cho người dân trong làng. Bởi theo chị, nếu có việc làm, có thu nhập, cuộc sống, trình độ được nâng cao, thì các em nhỏ sẽ không nghĩ đến chuyện kết hôn sớm.

Đặc biệt, chị đã bàn bạc với Ban Chấp hành Hội LHPN xã, vận động thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm với 30 thành viên. Cùng với sản phẩm thổ cẩm, chị còn vận động hội viên làm rượu ghè, đan lát gùi, tạc tượng gỗ… để thành sản phẩm du lịch. Đối với các mặt hàng nông sản địa phương, chị H’Uyên nhanh nhạy tìm kiếm thị trường, hỗ trợ bà con tiêu thụ nông - lâm sản phụ. Từ đó, dân làng có thêm thu nhập, kinh tế phát triển. 

“Chỉ cần gia đình nào có biểu hiện tảo hôn, thì mình cùng với địa phương, nhà trường sẽ ngay lập tức ngăn chặn. Từ hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội, nhóm zalo đến sinh hoạt định kỳ hàng tháng các thôn làng, những nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, liên tục được tuyên truyền tới từng gia đình, thay đổi suy nghĩ của các em. Vấn nạn xã hội được giải quyết, thì chất lượng cuộc sống người Gia Rai nơi đây sẽ đẹp hơn rất nhiều”, chị H’Uyên chia sẻ.

Chị H'Uyên Niê thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm giúp chị em phụ nữ thay đổi tư duy, nâng cao thu nhập nhờ nghề truyền thống
Chị H'Uyên Niê thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm để giúp chị em phụ nữ thay đổi tư duy, nâng cao thu nhập nhờ nghề truyền thống

Già làng A Mơng - Rơ Châm Dúp cho biết: Trước đây, năm nào cũng có gần 15 vụ tảo hôn. Nhìn những bố mẹ còn quá trẻ, con cái nheo nhóc, đói ăn mà mình buồn lắm. Cũng nhờ chị H’Uyên đã xuống với dân làng, cùng đưa ra hướng tháo gỡ, kịp thời ngăn cản không cho tụi nhỏ kết hôn khi chưa đủ tuổi, tập trung học tập, nâng cao trình độ dân trí nên nạn tảo hôn ở làng A Mơng đã chấm dứt. Giờ đây, dân làng vui mừng cùng nhau lo làm ăn, thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Nhận xét về chị H’Uyên, ông Rơ Châm Hyup, Phó Bí thư Đảng Ủy xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, cho biết: “Chị H'Uyên Niê là cán bộ phụ nữ rất năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các phong trào Hội cũng như hoạt động chung của xã. Chính vì yêu thương, gắn bó với con người nơi đây, chị đã đưa nhiều phong trào đi lên, được dân làng tin tưởng và làm theo. Đặc biệt, xã đã xoá nạn tảo hôn. Kết quả đáng mừng này nhờ công sức rất lớn của chị H’Uyên”.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.