Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Inrasara - “Thư viện sống” về văn hóa Chăm

Văn Hoa - 12:09, 25/08/2020

Inrasara tên thật là Phú Trạm sinh ra và lớn lên tại làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), người được ví như “thư viện sống” về văn hóa dân tộc Chăm. Bởi lẽ, cả cuộc đời, sự nghiệp của ông đều dành cho văn hóa dân tộc Chăm với sứ mệnh cầu nối dân tộc Chăm.

 Inrasara (người đứng hàng sau) chụp ảnh lưu niệm với các bạn trẻ người Chăm
Inrasara (người đứng hàng sau) chụp ảnh lưu niệm với các bạn trẻ người Chăm

Ngay từ nhỏ, Inrasara đã lang thang qua các làng quê người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, hứng thú lắng nghe và ghi chép các câu tục ngữ, ca dao từ cuộc nói chuyện ngày thường của người dân quê; rồi mượn các sách cổ có trường ca, sử thi dân tộc Chăm về nhà chép. Cứ thế, các bản sưu tầm càng dày lên, tới năm 1994 tác phẩm đầu tay là “Văn học Chăm - khái luận” mới được ra đời. 

Inrasara cho rằng, văn chương là biểu hiện trọn vẹn nhất để bộc lộ tâm hồn dân tộc Chăm, do đó, ông nghiên cứu là để giới thiệu với thế giới bên ngoài về một nền văn học có bề dày truyền thống nhưng đang có nguy cơ thất truyền. Sau 25 năm miệt mài, Inrasara cho ra đời hàng loạt công trình của mình. Về văn chương, ông có nhiều tác phẩm để lại tiếng vang lớn như: “Tháp nắng” - thơ và trường ca; “Sinh nhật cây xương rồng” - thơ song ngữ Việt – Chăm… Về nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm, Inrasara có hàng loạt các công trình như: Văn học Chăm 3 tập; 4 từ điển song ngữ Chăm - Việt; Tiểu luận Văn hóa - Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại; Minh triết Chăm…

Nói với chúng tôi về động lực mà cả đời ông tâm huyết nghiên cứu, gìn giữ, quảng bá văn hóa dân tộc Chăm, Inrasara chia sẻ: “Một nền văn hóa - văn minh sáng giá với mênh mông các khu tháp Chàm, trong đó Thánh địa Mỹ Sơn được thế giới công nhận, âm nhạc Chăm và các điệu múa, nền văn học dân tộc với các trường ca, sử thi… Bao nhiêu huy hoàng đó bị chìm vào lãng quên. Thế kỷ XIX, người Pháp có nhiều nỗ lực với các công trình nghiên cứu về kiến trúc - điêu khắc Chăm, về ngôn ngữ và tiếng nói nhưng chưa đầy đủ. Tôi tự nhận sứ mệnh làm cầu nối văn hóa dân tộc Chăm với các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, cầu nối Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á”. Ông thường xuyên chia sẻ văn hóa dân tộc Chăm cho sinh viên các trường đại học và đặc biệt là thuyết trình về văn hóa dân tộc Chăm và cả văn học Việt Nam đương đại cho các tạp chí như: Tạp chí Distant Horizrons của Hoa Kỳ chuyên về Đông Nam Á và châu Á.

Ngoài sáng tác văn chương và nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm, Inrasara còn tham gia nhiều tổ chức văn hóa - xã hội như: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật các DTTS Việt Nam, Trưởng Ban Lý luận - phê bình; Phó trưởng Ban Văn học Dân tộc của Hội Nhà văn Việt Nam … Với những cống hiến, đóng góp cho văn hóa Chăm, Inrasara nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Nhân vật Văn hóa năm 2005 của VTV3; Nghệ sĩ tiêu biểu năm 2005 của VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1998 và 2002; Giải thưởng Văn học Đông Nam Á; Giải thưởng Sách Việt Nam; Huy chương vì Sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam 2004…

Hiện nay, mặc dù đã bước qua tuổi lục tuần, Inrasara vẫn miệt mài với việc nghiên cứu và truyền bá văn hóa dân tộc Chăm. Chia sẻ về dự định sắp tới, Inrasara bày tỏ: “Tôi không cho là dự định, mà là “nợ”. Tôi còn nợ dân tộc tôi những gì? Tạm kể như: Urang Cham Người Chăm, dự tính 40 nhân vật Chăm thế kỷ XX; Toàn cảnh văn hóa Chăm (Bách khoa toàn thư về văn hóa, lịch sử, con người dân tộc Chăm); Lịch sử Palei Chăm Ninh Thuận; Truyện và thơ cho trẻ con; Câu chuyện Chăm và cuối cùng là công trình Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahier Awal, là tâm điểm của mọi tâm điểm”. Tất cả vẫn được ông ấp ủ để chờ ngày “khai sinh”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.