Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kết nối để du lịch cộng đồng “cất cánh”

N. Tâm - 21:30, 09/07/2020

Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đa dạng và những nét văn hóa đặc trưng. Đây là cơ sở để các địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Du khách trải nghiệm du lịch ở căn cứ Năm Căn (Cà Mau).
Du khách trải nghiệm du lịch ở căn cứ Năm Căn (Cà Mau).

Tại Ngày hội kích cầu du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ ngày 3 - 4/7, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ “Nếu du khách muốn khám phá du lịch miệt vườn, hãy đến thăm quan vườn cây trĩu quả ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ. Đến với Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, du khách có thể trải nghiệm thú vị về biển đảo. Đến với An Giang, Sóc Trăng là đến kiến trúc văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS…

Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch đang được đầu tư, phát triển mạnh tại TP. Cần Thơ, điển hình là điểm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn. Du khách đến với Cồn Sơn sau khi được trải nghiệm các hoạt động nuôi thủy sản trên sông Hậu, được thư giãn trên chiếc võng giữa những vườn cây trái trĩu quả, được ghé thăm các hộ dân để học làm bánh truyền thống, làm vườn, tát mương bắt cá… Hay ở huyện Phong Điền đang nổi lên là địa phương sinh thái với nhiều vườn trái cây như dâu bòn bon, vườn mận, bưởi, sầu riêng…

Còn ở Cà Mau, mấy năm gần đây đã thu hút ngày càng nhiều du khách. Về Cà Mau, ngoài việc chiêm ngưỡng mốc lịch sử quốc gia ở đất mũi, du khách còn được trải nghiệm đời sống của người dân địa phương, len lỏi qua từng rừng đước, mắm, đánh bắt thủy sản… Các điểm du lịch cộng đồng, các hộ dân tham gia làm du lịch đã thu hút được nhiều du khách dừng chân.

Gần một năm qua, Trà Vinh được biết đến với nhiều điểm du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách khắp nơi tìm đến như Cồn Chim đưa vào khai thác từ tháng 5/2019, đã đón hàng chục tour mỗi tháng, với hàng trăm lượt khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh về thăm quan, trải nghiệm…

Theo TS. Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường ở các địa phương duyên hải là rất lớn. Thế nhưng, suốt một thời gian dài, các tài nguyên này chưa được khai thác hoặc có khai thác cũng mới chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương.

“Du khách khi đến với mảnh đất giàu tài nguyên tiểu vùng duyên hải phía Đông đều khao khát được cảm thụ, trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng, được quản lý bền vững không tách rời mục tiêu bảo vệ môi trường”, ông Linh chia sẻ.

Là đơn vị chủ động kết nối du lịch với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, do dịch bệnh Covid – 19, hoạt động kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. “Gần đây, hoạt động du lịch trong khu vực ĐBSCL đã bắt đầu khởi động trở lại. Tôi tin trong tháng 7 này và đợt du lịch hè sẽ có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, không có sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp thì tôi nghĩ rằng, mối liên kết này sẽ thiếu sự sôi động”, ông Vũ cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.