Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Xây nền móng và truyền cảm hứng...

PV - 16:21, 22/02/2018

Ra đời với mục tiêu nhằm kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS, trong hơn một năm qua, Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (gọi tắt là Tổ Công tác 569) đã quyết liệt xây dựng lộ trình hành động cụ thể. Nhờ đó, năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã huy động được Ngân hàng Thế giới và các đối tác ký kết 14 văn kiện hợp tác, từ đó hỗ trợ thiết thực cho người dân và cộng đồng DTTS trên bước đường khởi nghiệp gian nan.

Một trong những thành công lớn nhất của vòng chung kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 năm 2017, do Tập đoàn Trung Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng các đối tác chiến lược phối hợp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, là sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp giữa các bạn trẻ người DTTS đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Những sản phẩm đặc trưng vùng miền của đồng bào Mông, Dao ở miền núi phía Bắc cho đến Ê-đê, Chăm ở miền Trung, Tây Nguyên, Khmer ở Tây Nam bộ đã mang đến sự rộn ràng, náo nhiệt.

T11

Với chất giọng Mông đặc trưng của núi rừng Sơn La, Vừ Pát Ly hồ hởi chia sẻ: “Em hơi run nên trình bày dự án của em không tốt lắm. Nhưng không sao chị ạ, em thu được nhiều thứ có khi còn quan trọng hơn cả giải thưởng vì tham gia cuộc thi hôm nay em đã được gặp, được biết và được học nhiều thứ từ các bạn trẻ DTTS cũng đang chập chững khởi nghiệp như em”.

Các bạn trẻ DTTS tham gia vòng chung kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 năm 2017. Các bạn trẻ DTTS tham gia vòng chung kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 năm 2017.

 

Có lẽ Vừ Pát Ly đã nói rất đúng tâm sự của các bạn trẻ. Hầu như chẳng thấy sự cạnh tranh nào giữa các dự án tham gia cuộc thi, bởi tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe, nhiệt tình hỏi han, chia sẻ và cùng hào hứng vỗ tay cổ vũ, động viên lẫn nhau.

Dường như tất cả đều đã nhận ra một sự thật là những gì các bạn đang nỗ lực làm không còn đơn thuần là các dự án khởi nghiệp mà trở thành tình yêu, khát vọng vươn lên làm giàu vì gia đình và cộng đồng.

Vừ Pát Ly chỉ là một trong hàng chục startup tương tự được hỗ trợ, kết nối với các chuyên gia phát triển cộng đồng, các nhà tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp trong năm 2017 từ sự hỗ trợ của Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến là người đã trải qua rất nhiều vị trí lãnh đạo ở nhiều địa phương khác nhau, với vị trí là người đứng đầu cơ quan công tác dân tộc, ông lúc nào trăn trở, đau đáu một mong muốn tìm cách để các cộng đồng người DTTS và miền núi có thể phát huy được lợi thế của mình để tự vươn lên làm giàu.

Ông phân tích: “Giảm nghèo là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành rồi nhưng giảm nghèo bằng cách khuyến khích bà con chủ động tổ chức lao động sản xuất, làm ăn kinh doanh theo hướng thị trường để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và vươn lên làm giàu thì mới là giải pháp giảm nghèo bền vững nhất”.

Với quan điểm như vậy, khi chỉ đạo thành lập Tổ Công tác 569 (tháng 10/2016), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã huy động và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp của Ủy ban Dân tộc. Ông luôn yêu cầu, Tổ công tác 569 phải có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đến hằng quý, hằng tháng phải hoàn thành những việc gì. Bộ trưởng chỉ đạo: “Tổ 569 hãy nhớ là nếu cứ hỗ trợ, kết nối cho 100 người DTTS khởi sự kinh doanh thành công mà mỗi dự án chỉ cần tạo ra vài việc làm đảm bảo thu nhập cho chính gia đình họ thì sẽ có hàng trăm người thoát nghèo bền vững”.

Chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp Phạm Hoàng Ngân, thành viên Tổ Công tác 569 chia sẻ: “Chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công của phong trào khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi chính là đối tượng thanh niên DTTS. Chẳng có ai truyền cảm hứng cho cộng đồng của họ tốt bằng chính họ được. Thanh niên DTTS ngoài chuyện họ rất hiểu văn hóa của cộng đồng, thì chính họ mới là người phù hợp để nắm giữ bí quyết, cách làm để gây dựng niềm tự hào dân tộc của mình. Cái mà các thanh niên này cần đôi khi không phải là cây gì, con gì mà chỉ đơn giản là tiếp cận thị trường thế nào, quản lý tài chính ra sao”.

Các thành viên Tổ công tác 569 cũng nhận thức rất rõ, một thực trạng là các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng DTTS mới chỉ tập trung nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà ít tiếp cận các vấn đề phát triển cộng đồng từ bên trong, tức là thông qua việc phát huy nội lực, lợi thế của vùng đồng bào DTTS đi cùng với sự tư vấn, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị. Mặt khác, việc phát huy sự gắn kết cộng đồng cũng là một hướng tiếp cận rất hiệu quả và bền vững cho phong trào khởi nghiệp trên vùng đồng bào DTTS.

“Khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS phải nghĩ thoáng một chút. Đừng để bị hai chữ khởi nghiệp đe dọa các bạn. Hãy coi nó đơn giản là việc tận dụng cơ hội, lợi thế xung quanh mình để khởi sự làm ăn, kinh doanh. Khi các bạn đưa được sản phẩm nào đó ra thị trường, tạo được việc làm và thu nhập cho chính mình và người thân nghĩa là các bạn đã bắt đầu thành công rồi đấy”. Đó là những tâm sự của TS. Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ Công tác 569, nói với các bạn trẻ người DTTS đã và đang có khát vọng khởi nghiệp.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.