Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khám phá di sản văn hóa tại phố cổ Hà Nội

Nguyệt Anh (T/h) - 09:19, 20/11/2021

Chuỗi hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 vừa được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, tổ chức khai mạc chiều 19/11


Trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ của Làng nghề mộc truyền thống Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ của Làng nghề mộc truyền thống Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2021), chiều 19/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất giàu có về di sản làng nghề. Nhân dịp này, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, Ban Tổ chức đã lựa chọn giới thiệu các sản phẩm điêu khắc gỗ của làng nghề mộc truyền thống Áng Phao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai).

Tại khu vực trưng bày chính, Ban Tổ chức đã dựng lại một bộ khung nhà gỗ cổ truyền, tạo điều kiện để khách tham quan hình dung rõ nét hơn về nhà cổ truyền thống Bắc Bộ.

Tại đây, Ban Tổ chức cũng giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của nghề mộc Áng Phao với nhiều họa tiết cổ của các thời kỳ. Đồng thời, giới thiệu về quy trình nghề mộc; các dụng cụ dùng trong nghề điêu khắc gỗ.

Qua đó lưu giữ, giới thiệu và phát huy những nét mỹ thuật, điêu khắc truyền thống Việt qua các thời kỳ.

Các sản phẩm, hiện vật trưng bày chủ yếu là của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết, nghệ nhân nổi tiếng của làng mộc Áng Phao.

Trong dịp này, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng thực hiện triển lãm ảnh chủ đề “Nghề truyền thống Việt Nam”, giới thiệu 60 tác phẩm nhiếp ảnh chọn lọc từ cuộc thi Ảnh Di sản Việt Nam với chủ đề “Nghề truyền thống Việt Nam”.

Thông qua các triển lãm, trưng bày, công chúng và du khách cảm nhận sâu sắc hơn sức sống trường tồn của di sản nghề truyền thống, sức sáng tạo bền bỉ của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề trong công cuộc gắn kết các giá trị truyền thống và hiện đại tới gần nhau hơn.

Ngoài ra, còn có hoạt động trình diễn nghệ thuật tổ chức tại Ngôi nhà Di sản (số 87, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm), Lễ trao giải Cuộc thi thiết kế mỹ thuật “Hoàn Kiếm - 60 năm một tình yêu”…

Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ban Tổ chức yêu cầu mọi người tham gia đều thực hiện tốt các quy tắc phòng dịch, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR, tham quan tối đa không quá 10 người/nhóm…

Ngoài hình thức trực tiếp, Ban Tổ chức cũng thực hiện các hoạt động giới triệu, trình diễn di sản trên Fanpage “Phố cổ Hà Nội”.