Qua rà soát, tổng diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý có thể giao khoán bảo vệ theo chương trình này trong toàn tỉnh Khánh Hòa là 4.710,61ha thuộc 3 địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Ninh Hòa. Để thực hiện việc giao khoán, bảo vệ rừng, các địa phương đã tuyên truyền, vận động, niêm yết công khai diện tích rừng giao khoán bảo vệ. Thế nhưng đến nay, hầu hết người dân không quan tâm và chưa có hộ dân nào đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà là do rừng giao khoán nhỏ lẻ, manh mún; mức hỗ trợ bảo vệ rừng còn thấp... Các địa phương đã tuyên truyền, vận động, niêm yết diện tích rừng giao khoán bảo vệ, thế nhưng đến nay chưa có hộ dân nào đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng.
Xã Ninh Tây là địa phương duy nhất ở thị xã Ninh Hòa có đủ điều kiện để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, do UBND xã quản lý cho người dân. Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết: Qua rà soát, diện tích rừng tự nhiên chưa được Nhà nước giao, cho thuê thuộc quản lý của UBND xã Ninh Tây khoảng 3.000ha tại khu vực Bến Lễ (thôn Sông Búng) và Hà Giang (thôn Buôn Đung). Để thực hiện chính sách trên, xã đã nhiều lần họp dân, tuyên truyền, vận động đăng ký nhận khoán bảo vệ diện tích rừng này nhưng vẫn chưa có hộ nào đăng ký.
Trao đổi với một số hộ dân, chúng tôi được biết lý do họ không đăng ký là diện tích rừng nhận khoán cách xa nơi ở, rất khó thường xuyên đi rừng bảo vệ, trong khi trách nhiệm khi rừng bị xâm hại rất lớn. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng ở mức 400.000 đồng/ha/năm là rất thấp nên người dân không nhận bảo vệ rừng. Y Thanh, một người dân thôn Sông Búng, xã Ninh Tây chia sẻ: Rừng cách nơi ở hàng chục cây số, nếu chúng tôi nhận khoán thì không thể thường xuyên đi kiểm tra. Nếu có người phá rừng thì rất khó phát hiện. Ngoài ra, trường hợp cháy rừng thì việc chữa cháy rất khó khăn. Trong khi, mức hỗ trợ thấp mà trách nhiệm lại cao nên người dân chúng tôi không dám nhận.
Còn tại huyện Khánh Vĩnh, qua rà soát của Hạt Kiểm lâm địa phương và UBND cấp xã, diện tích rừng tự nhiên đảm bảo tiêu chí giao khoán hơn 1.343,6ha, thuộc 8 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Nam, Khánh Phú, Liên Sang, Sơn Thái, Khánh Thượng. Tuy UBND các xã đã niêm yết công khai diện tích giao khoán, nhưng các hộ đều không có nhu cầu đăng ký nhận giao khoán bảo vệ rừng. Nguyên nhân là do diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý manh mún, phân tán, người dân khó tổ chức thực hiện bảo vệ. UBND huyện Khánh Vĩnh đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, niêm yết diện tích, vận động người dân đăng ký nhận khoán để được hỗ trợ từ chính sách này.
Tương tự, UBND huyện Khánh Sơn cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát hiện trạng diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý, với tổng diện tích được xác định khoảng 367ha để xây dựng kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng. Cũng vì những lý do trên nên không có nhu cầu nhận khoán bảo vệ rừng. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa triển khai thực hiện nội dung này.
Để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn để thực hiện chủ trương giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các cấp, ngành đã làm việc với các địa phương có rừng giao khoán và cách tốt nhất là đẩy mạnh tuyên truyền. Theo ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, nguyên nhân người dân chưa mặn mà đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng có thể do việc tuyên truyền chính sách chưa đầy đủ, người dân chưa hiểu rõ về chính sách hỗ trợ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm địa phương phối hợp với UBND các xã, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng.
“Phải tuyên truyền đầy đủ nội dung chính sách để người dân nhận thức đúng về việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Như việc tuần tra, bảo vệ rừng nhận khoán, ngoài hộ đăng ký, còn có lực lượng của xã, kiểm lâm địa phương; hay như chế độ hỗ trợ, ngoài mức 400.000 đồng/ha/năm, hộ dân còn được hỗ trợ gạo…”, ông Thu nhấn mạnh.
Phải tuyên truyền đầy đủ nội dung chính sách để người dân nhận thức đúng về việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Như việc tuần tra, bảo vệ rừng nhận khoán, ngoài hộ đăng ký, còn có lực lượng của xã, kiểm lâm địa phương; hay như chế độ hỗ trợ, ngoài mức 400.000 đồng/ha/năm, hộ dân còn được hỗ trợ gạo…”. Ông Thu nhấn mạnh.