Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chư Pưh (Gia Lai): Tổ cộng đồng làng đoàn kết bảo vệ rừng giáp ranh

Ngọc Thu - 07:25, 21/12/2022

Chư Pưh (Gia Lai) là huyện có địa hình rừng núi phức tạp, nhiều vùng rừng giáp ranh. Vì vậy, huyện Chư Pưh đã quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, giải pháp giao khoán bảo vệ rừng cho Tổ cộng đồng làng đã phát huy sức mạnh đoàn kết từ Nhân dân. Nhờ đó, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Chư Pưh (Gia Lai) nỗ lực bảo vệ rừng giáp ranh
Cán bộ Kiểm lâm phối hợp với Tổ cộng đồng làng Ia Ke, xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) tuần tra, bảo vệ rừng

Đồng bào DTTS tham gia bảo vệ rừng

Huyện Chư Pưh hiện có hơn 21.100 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, phân bố ở 6 xã. Trong đó, rừng tự nhiên gần 12.000 ha, rừng trồng hơn 1.622 ha chủ yếu là cao su, keo, bạch đàn. Do diện tích rừng không tập trung, địa hình phức tạp, lại giáp ranh với nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Đắk Lắk, có nhiều tuyến giao thông đi qua nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Tại xã Ia Phang, địa bàn có khoảng 2.035 ha rừng, chủ yếu là rừng nghèo kiệt nằm trên địa hình hiểm trở, giáp ranh với huyện Phú Thiện và Chư Sê. Từ năm 2014, UBND xã đã giao khoán cho 47 hộ đồng bào  Gia Rai của làng Ia Ke quản lý, bảo vệ 500 ha rừng. Đến năm 2020, xã tiếp tục xây dựng giao 1.000 ha rừng cho 43 hộ ở 3 làng Ia Ke, Briêng và Chư Pố 2. Nhờ đó, người dân đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ xâm lấn đất rừng.

Ông Rah Lan Phu, Tổ trưởng Tổ khoán bảo vệ rừng xã Ia Phang, huyện Chư Pưh bày tỏ: “Mình rất vui khi được UBND xã giao cho tổ cộng đồng làng. Với tinh thần trách nhiệm cao, mình và các thành viên cũng như dân làng tích cực tham gia bảo vệ rừng. Ai vi phạm, xâm lấn rừng sẽ bị các thành viên kịp thời phát hiện, tuyên truyền và xử lý. Đồng thời, dân làng cũng bảo nhau không ai phá rừng, bởi đối với dân làng mình, còn rừng là còn nguồn sống”.

Bên cạnh đó, UBND xã Ia Phang đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tuần tra rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về lâm nghiệp qua nhiều hình thức, trong đó chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng nòng cốt, đoàn thể - chính trị xã hội, cán bộ, già làng, Người có uy tín ở các thôn, làng để thu hút người dân tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy và trồng rừng.

Chư Pưh (Gia Lai) nỗ lực bảo vệ rừng giáp ranh 1
Huyện Chư Pưh có diện tích rừng giáp ranh với nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Đắk Lắk nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn

Ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết: UBND xã đã phân công cán bộ kiểm lâm thường xuyên cùng các Tổ khoán bảo vệ rừng tuần tra kiểm soát hàng tuần. Đồng thời, tuyên truyền trong bà con Nhân dân các vùng lân cận không phá rừng làm nương rẫy và giải quyết chế độ chính sách cho bà con kịp thời. Vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã được tốt hơn, công tác xâm hại rừng đã được hạn chế đến mức tối đa.

Hàng năm, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, huyện Chư Pưh đều ký kết quy chế phối hợp với các địa phương lân cận. Các lực lượng chức năng đã xây dựng quy chế, quy ước phối hợp quản lý vùng rừng giáp ranh như: Quản lý địa giới hành chính, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ rừng, xây dựng khối đại đoàn kết và hỗ trợ nhau trong công tác quản lý rừng. 

Hạt Kiểm lâm huyện cũng tăng cường 8 Kiểm lâm viên xuống phụ trách địa bàn 6 xã có rừng. Từ đó, xây dựng các tổ, đội quần chúng quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, phòng chống phá rừng trái phép. Cùng với đó, củng cố kiện toàn 13 Ban chỉ huy PCCCR cấp cơ sở, 25 tổ đội; 9 tổ đội lực lượng nòng cốt tại cơ sở là công an viên, dân quân tự vệ với hơn 900 người tham gia. Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với hệ thống chính trị các xã tổ chức 12 đợt tuyên truyền về các quy định về bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, phòng cháy chữa cháy rừng đã thu hút được hơn 720 lượt người tham gia.

Phát triển rừng giáp ranh

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều đợt tuần tra truy quét trên toàn địa bàn huyện thường xuyên phối hợp kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. 

Các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn đã tích cực phối hợp tổ chức triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp thiết thực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng sinh sống ở khu vực giáp ranh. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển gỗ, củi ở các vùng giáp ranh, với các huyện trong tỉnh và tỉnh Đăk Lăk. Đặc biệt là, tình trạng chặt phá cây rừng để lấy củi; phá bỏ hoàn toàn các lò đốt than bằng cây rừng trái pháp luật trên địa bàn…

Nhờ vậy, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn huyện được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được kéo giảm đáng kể. Kết quả, năm 2022, cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện và lập biên bản 23 vụ (giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, chủ yếu là vận chuyển lâm sản trái pháp luật. 

Cụ thể, 21 vụ xử lý vi phạm hành chính và 2 vụ hình sự chuyển cơ quan Công an huyện Chư Pưh xử lý. Theo đánh giá, huyện Chư Pưh là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh.

Chư Pưh (Gia Lai) nỗ lực bảo vệ rừng giáp ranh 2
Cán bộ kiểm lâm huyện Chư Pưh kiểm tra rừng ở vùng giáp ranh

Ông Phạm Văn Đạo,Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh, thông tin: Huyện Chư Pưh đã giao khoán rừng cho dân trực tiếp quản lý, trong đó, ưu tiên đồng bào DTTS sống gần rừng, tạo sinh kế tăng thu nhập cho đồng bào DTTS. Hiện nay, các Tổ khoán bảo vệ rừng hoạt động rất hiệu quả, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đã giao, mọi hành vi tác động đến rừng đều được thành viên các tổ kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Đối với những diện tích rừng còn lại, huyện Chư Pưh đang vận động người dân tham gia cùng lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

Thời gian tới, huyện Chư Pưh tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền giao khoán rừng, đất rừng cho người dân khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ. Đây là giải pháp căn cơ, để người dân phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vụ vi phạm tài nguyên rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng giáp ranh.