Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Khánh Hòa: Nguy cơ sạt lở ở xóm Núi

Thành Nhân - 09:43, 11/11/2019

Đã 1 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận sạt lở núi kinh hoàng hồi tháng 11/2018 vẫn còn hiện hữu với người dân xóm Núi (thôn Thành Phát) và xóm Mũi (thôn Thành Đạt) của xã Phước Đồng, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế, vì cuộc sống mưu sinh, hiện nay nhiều người vẫn phải liều ở lại khu vực nguy hiểm này.

Hàng trăm ngôi nhà ở xóm Núi nằm trong vùng nguy hiểm có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
Hàng trăm ngôi nhà ở xóm Núi nằm trong vùng nguy hiểm có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Sống trong khu vực nguy hiểm

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi trở lại xóm Núi. Nhiều nơi tại khu vực này vẫn còn ngổn ngang xà bần, đất đá và đã có một vài ngôi nhà tạm mọc lên. Ghé vào một ngôi nhà tường chỉ cao hơn 1m, được lợp bằng tôn, tài sản trong nhà chẳng có gì, chúng tôi được chủ nhà là ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: Sau trận sạt lở làm sập nhà, gia đình phải đi thuê nhà ở tạm nhưng vì chi phí tốn kém nên quay lại chỗ cũ làm nhà. 

“Tuy chính quyền không cho xây cất, nhưng chúng tôi là dân làm biển, thu nhập bấp bênh không có tiền để thuê nhà, trả tiền điện, nước nên quay lại nhặt nhạnh tôn cũ, rách và mua thêm ít tôn mới bao lại ở. Những đêm trời mưa gió, gia đình không ai dám ngủ vì lo sợ lở núi, nhưng không ở đây thì biết ở đâu”, ông Trọng ngậm ngùi nói.

Ở gần nhà ông Trọng, là căn nhà của gia đình ông Bùi Long Tiễn. Trận lở đất năm ngoái đã cướp đi 2 người thân trong gia đình, vợ và con ông cũng bị thương nặng. Sau sạt lở, căn nhà trong tình trạng sập bất cứ lúc nào nhưng ông Tiễn vẫn đưa vợ con quay về sinh sống. “Căn nhà vẫn để y nguyên, chỉ dọn dẹp lại. Hiện nay, vợ, con bị thương mới bình phục. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lo vậy nhưng biết đi đâu?!”, ông Tiễn lo lắng nói.

Khu vực này còn có căn nhà của gia đình bà Trương Thị Thùy Trang được làm lại để có chỗ ở tạm bợ cho 6 người. Bà Trang chia sẻ: Sau khi nhà bị sập, gia đình cũng đi thuê nhà, nhưng cũng chỉ được vài tháng thì quay lại dựng căn nhà tạm để ở. Nói là nhà, nhưng cũng chỉ quây đại vài tấm tôn nên hễ mưa là dột còn gió to thì chắc chắn sẽ bay. “Hoàn cảnh vậy, thôi thì tới đâu tính tới đó, chừng nào mưa to, gió lớn sẽ đi tìm phòng trọ hoặc chỗ ở nhờ”, bà Trang chia sẻ thêm.

Tính kế lâu dài

Trước nguy cơ sạt lở chực chờ ở khu vực xóm Núi và xóm Mũi, UBND TP. Nha Trang cũng đã nhiều lần họp, bàn phương án di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Phước Đồng nhưng vẫn chưa thực hiện được do chưa thống nhất được phương án.

Theo báo cáo của UBND Thành phố, qua rà soát, thôn Thành Phát có 348 hộ, với 1.373 nhân khẩu; thôn Thành Đạt có 346 hộ với 1.243 nhân khẩu. Hầu hết các hộ đều xây dựng không phép; phần lớn xây nhà từ năm 2014 trở về trước; đa số các hộ có mức sống trung bình trở xuống.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, cho biết, UBND Thành phố đã đề xuất phương án xây dựng chung cư nhà ở xã hội để di dời các hộ dân (địa điểm xây dựng ở Khu tái định cư Phước Hạ, xã Phước Đồng). Tuy nhiên, phương án này khó khăn vì nguồn vốn đầu tư lớn. Mặt khác, qua thăm dò ý kiến, đa số người dân không đồng ý thuê nhà chung cư xã hội mà có nguyện vọng được cấp đất tái định cư. 

Do đó, Thành phố đang đề xuất phương án, điều chỉnh khu vực định xây dự án khu giết mổ gia súc để bố trí khu tái định cư cho người dân, dưới hình thức giao đất cho nợ tiền sử dụng đất và hạn chế quyền chuyển nhượng để người dân có chỗ ở ổn định.

Thành phố đã đề xuất phương án xây dựng chung cư nhà ở xã hội để di dời các hộ dân. Tuy nhiên, phương án này khó khăn vì nguồn vốn đầu tư lớn. Mặt khác, qua thăm dò ý kiến, đa số người dân không đồng ý thuê nhà chung cư xã hội mà có nguyện vọng được cấp đất tái định cư”.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.