Rừng liên tục “chảy máu”
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 216 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các địa phương để mất rừng nhiều là huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Vạn Ninh... Tình hình khó kiểm soát đến độ Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải điều lực lượng của Đội Kiểm lâm cơ động đến đóng chốt tại địa phương này để hỗ trợ xử lý.
Theo Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã phát hiện 21 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thụ lý 8 vụ việc từ chủ rừng chuyển giao, khởi tố nhiều vụ vi phạm. Vụ phá rừng lấy đất sản xuất xảy ra tại xã Ba Cụm Nam cũng đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để khởi tố.
Trong khi đó, tại huyện Khánh Vĩnh lại nổi lên tình trạng lâm tặc vào sâu trong rừng để khai thác gỗ trái pháp luật với khối lượng lớn. Đặc biệt, tại khu vực cánh Tây của huyện có dấu hiệu các đối tượng lâm tặc cát cứ, hình thành băng nhóm triệt hạ lẫn nhau để giành địa bàn. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, tính đến hết tháng 8, toàn huyện phát hiện 77 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, Hạt Kiểm lâm phát hiện và tiếp nhận 41 vụ vi phạm; Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh phát hiện, lập biên bản 36 vụ việc.
Làm sao để “cầm máu” cho rừng
Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Hầu hết các vụ vi phạm đều được phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó, nổi lên tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất và khai thác lâm sản trái phép. Đặc biệt, các đối tượng lâm tặc ngày càng manh động, tấn công lẫn nhau để tranh giành địa bàn, thậm chí chống lại lực lượng chức năng.
Một khó khăn là các đối tượng lâm tặc lợi dụng địa hình miền núi, đến cư trú trái phép trong rừng, ven rừng, chọn những khu vực rừng xa, hiểm trở, giáp ranh với các tỉnh khác để khai thác lâm sản. Trong khi đó, nhân lực của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thiếu trầm trọng, 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách 2 - 3 xã có rừng hoặc phụ trách 1 xã có diện tích rừng, đất rừng lên đến 5.000ha (quy định 1.000ha/1 công chức kiểm lâm). Nhân lực của các chủ rừng chưa đủ mạnh để có thể tự tổ chức bảo vệ diện tích rừng được giao. Vì thế, công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương ngày càng khó khăn.
Cũng theo ông Trần Minh Thu, giải pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái pháp luật là phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương. Lực lượng kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng; sẵn sàng hỗ trợ chủ rừng khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ sở chế biến, mua bán lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp... Đối với chủ rừng, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ rừng, nếu để rừng bị xâm hại cần xử lý nghiêm theo quy định.
Về lâu dài, cần thực hiện tốt việc triển khai các chính sách hỗ trợ để người dân sống gần rừng được hưởng lợi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng… Từ đó, giúp người dân từ bỏ việc phá rừng, ông Thu chia sẻ thêm.