Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Khánh Hòa: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Hà Văn Đạo - 10:40, 20/07/2020

Khánh Hòa được xem là điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết (SXH), mức độ tăng, giảm không ổn định nên dễ bùng phát các ổ dịch. Cùng với nỗ lực chặn dịch của ngành Y tế thì sự chuyển biến trong nhận thức của người dân cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát dịch bệnh này.

Cán bộ kiểm soát dịch bệnh kiểm tra công tác chống SXH ở huyện Vạn Ninh
Cán bộ kiểm soát dịch bệnh kiểm tra công tác chống SXH ở huyện Vạn Ninh

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm KSBT) Khánh Hòa,sốt xuất huyết (SXH) đã lưu hành tại địa phương này nhiều năm qua nên phải tìm mọi cách để ngăn ngừa và dập dịch. 

Thống kê mới nhất, tính từ đầu năm đến hết ngày 4/7/2020, toàn tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 2.138 ca mắc SXH. Trong đó, huyện Cam Lâm 217 ca; huyện Diên Khánh 251; huyện Vạn Ninh 286; TP. Cam Ranh 116 ca; TP. Nha Trang 831 và thị xã Ninh Hòa 401. Tuy không có ca tử vong và số lượng ca mắc so với cùng kỳ năm 2019 có giảm, nhưng dự báo trong những tháng tới, bệnh dịch sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.

Năm 2020 này, ngành Y tế Khánh Hòa đã sáng tạo, linh hoạt phương thức tuyên truyền là phối hợp với đoàn thanh niên các cấp để đến từng nhà dân diệt bọ gậy (lăng quăng). Thế nhưng tình trạng SXH vẫn hoành hành từ đô thị đến nông thôn. Có những tuần, số ca mắc tăng đột biến. Đơn cử như trong tháng 4, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận bình quân 20 - 35 ca mắc SXH/tuần; sang tháng 5, số ca mắc tăng lên 50 - 70 ca/tuần. Các chiến dịch phun hóa chất sẽ được tiến hành thực hiện trên diện rộng. 

Như thường lệ, từ tháng 9, Khánh Hòa bước vào mùa mưa nên khả năng bùng phát dịch rất cao. Nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) cho biết: Người dân trong xã chủ yếu làm nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản nên muỗi rất nhiều. Nhiều ngõ ngách nước đọng thành vũng, lăng quăng xuất hiện liên tục, diệt xong lại có. Ý thức của nhiều hộ chưa cao nên rất dễ xảy ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh. 

Trong đợt kiểm tra thực tế tại 20 hộ dân vừa diễn ra tại thôn Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) do Trung tâm KSBT Khánh Hòa thực hiện, ghi nhận thực trạng nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước trong nhà, sân vườn mà không có biện pháp che đậy để phòng muỗi đẻ trứng. Một số hộ có nhiều lăng quăng trong bể chứa nước, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao. 

Không được chủ quan, lơ là 

Hiện, Trung tâm KSBT Khánh Hòa đã dự trữ 2.000 lít hóa chất diệt muỗi, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các địa phương để thực hiện công tác phòng dịch SXH nên người dân không phải hoang mang, lo lắng. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm KSBT Khánh Hòa: Cuộc chiến với dịch SXH cần sự chung tay của các cấp chính quyền từ thôn xã đến tỉnh, phải làm bền bỉ, không lơ là, như vậy hiệu quả mới cao. Sau mỗi chiến dịch, tuyệt đối không được thờ ơ trong công tác diệt lăng quăng, xử lý các vũng nước trũng, đục có nguy cơ phát sinh bệnh. 

 Ngoài sự chậm chuyển biến trong nhận thức của người dân về phòng, chống dịch cũng như yếu tố bất thường của thời tiết thì theo nhiều địa phương ở Khánh Hòa, trình độ điều tra, định loại véc tơ của cán bộ làm công tác côn trùng của một số đội y tế dự phòng thuộc các huyện còn hạn chế. 

Nhiều gia đình nuôi tôm ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cho biết: Ở đây người dân có thói quen tích trữ nước mưa trong các chum, vại, bể. Có khi tích trữ triền miên tháng này qua tháng nọ nên lăng quăng phát sinh nhiều trong bể cũng không biết. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn có suy nghĩ, khi ngành Y tế phun hóa chất phòng, chống dịch vào quanh nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì thế họ không muốn cho phun, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Vậy nên công tác kiểm tra, điều tra dịch tễ phải được y tế dự phòng tuyến huyện làm thường xuyên.

Tin cùng chuyên mục