Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở miền Trung

Lê Phương - 11:05, 22/06/2020

Hiện nay, tại một số tỉnh miền Trung như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa..., tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) không chỉ gia tăng về số ca mắc mà số ca nặng cũng có dấu hiệu tăng lên. Tâm lý chủ quan, lơ là, nhập viện trễ, tự dùng thuốc tại nhà hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân của một số người dân là những nguyên nhân khiến bệnh diễn tiến xấu hơn.

Ngành Y tế Bình Định tổ chức tuyên truyền phòng, chống SXH tại các huyện miền núi
Ngành Y tế Bình Định tổ chức tuyên truyền phòng, chống SXH tại các huyện miền núi

Gia tăng báo động

Theo báo cáo của ngành Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.850 ca mắc SXH; số ca mắc SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 5, cao gấp gần 3 lần so với những tháng trước. Nếu tháng 4 toàn tỉnh ghi nhận từ 10 - 30 ca SXH/tuần thì đến tháng 5 tăng lên từ 50 - 80 ca. 

Còn tại Bình Định, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.663 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong, số ca mắc đều xảy ra ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tỉnh Phú Yên cũng là địa phương có số ca mắc SXH cao. Tính đến cuối tháng 5/2020, toàn tỉnh ghi nhận 1.461 ca SXH. 

Điều đáng báo động là, tình trạng một số người dân có tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 nên không đến bệnh viện để khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Do đó, phần lớn những ca SXH nặng được ghi nhận đều do nhập viện trễ, người dân đã tự ý sử dụng thuốc tại nhà, hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân, khiến tình trạng bệnh ngày càng xấu hơn.

Bác sĩ Trần Nam Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết: Người dân không đến khám kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề do SXH, trong đó phải kể đến như xuất huyết nội tạng, suy hô hấp, suy đa tạng, nặng hơn nữa có thể gây tử vong cho người bệnh. Hiện tại, những ca bệnh nặng chúng tôi đều phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc để theo dõi sát, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Chủ động phòng bệnh

Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. 

“Một trong những quan niệm sai lầm của người dân về bệnh SXH cho rằng, người mắc SXH rồi sẽ không bị mắc lại. Tuy nhiên, bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra có 4 tuýp (D1, D2, D3, D4). Vậy nên, một người mắc SXH tuýp D1 vẫn có thể mắc SXH do tuýp khác gây nên. Nguy hiểm hơn, những lần mắc SXH sau thường nặng hơn lần mắc trước”, Bác sĩ Trần Nam Quân cho hay. 

 Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, bệnh SXH đã thành quy luật, cứ 3 năm thì có một đợt dịch, 5 năm lại có đợt dịch lớn. Trong giai đoạn cuối năm 2019, dịch này ở Bình Định và các tỉnh miền Trung đã lên đến đỉnh điểm. Bởi vậy, đầu năm 2020 vẫn đang là giai đoạn “đuôi dịch”, nên số ca mắc vẫn còn cao. 

“Điều lo lắng nhất hiện nay của ngành Y tế Bình Định là tình trạng hạn hán. Khi xảy ra hạn hán ở vùng nông thôn, người dân sẽ tiến hành trữ nước. Điều này khiến cho muỗi SXH có môi trường để phát triển”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục