Truyền thống Xô viết “đứng đầu dậy trước” đang tiếp tục được Nghệ An phát huy trên “mặt trận” phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đó không chỉ là trách nhiệm của thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay với Nhân dân, mà còn là trách nhiệm của cả tỉnh đối với niềm day dứt của Bác trước lúc đi xa: Nghệ An sẽ trở thành tỉnh khá nhất miền Bắc.
Những năm qua, thực hiện kỳ vọng của Người, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư rất nhiều các chương trình, đề án điểm như: Phát triển KT-XH miền Tây, xây dựng nông thôn mới (NTM) các xã biên giới, phát triển sản xuất nông nghiệp các huyện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh… đã góp phần thay đổi diện mạo vùng cao xứ Nghệ.
Ngược Quốc lộ 7A lên Con Cuông, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ nơi đây. Quốc lộ 7A chạy ngoằn ngoèo vắt qua những triền núi bạt ngàn cây nguyên liệu giấy, chè, cam… Thấp thoáng sau màu xanh ấy là những tháp cao của nhà máy sừng sững mọc lên.
Điểm nhấn rõ rệt với Con Cuông là đồng bào DTTS đã biết cách làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và đã có thu nhập ổn định từ nghề thế mạnh này. Rất nhiều mô hình kinh tế như trồng cây nguyên liệu cà gai leo, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, cây ăn quả cam, bưởi, chăn nuôi lợn đen, gà đen… gắn với du lịch trải nghiệm ngày càng phát huy hiệu quả.
Ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Đời sống bà con được nâng lên rất nhiều, thu nhập trung bình đã đạt 30,8 triệu đồng/người/năm. Hiện hộ nghèo đã giảm từ hơn 40% năm 2010 xuống còn hơn 14% năm 2020; đó là một kỳ tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển lợi thế về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào phát triển sản vật địa phương để tăng thu nhập cho bà con.
Xuôi về Anh Sơn, những vườn cam Bãi Phủ quả sai lúc lỉu, những bãi bồi ven sông Lam bạt ngàn mía, những nương chè ở Hùng Sơn xanh ngút ngát… cùng với nông nghiệp công nghệ cao như dưa lưới, rau sạch… đã đâm chồi nảy lộc. Cây mía trên đất bãi Anh Sơn đạt năng suất 100 tấn/ha không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà đã trở thành cây làm giàu. Những nhà máy xi măng, tinh bột sắn, gỗ ván sợi MDF, chè Anh Sơn… ngày càng khẳng định hiệu quả trong phát triển KT-XH.
Cùng với đó, từ Phủ Quỳ trải dài theo Quốc lộ 48, qua 4 huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong cũng đang vươn mình mạnh mẽ. Những năm qua, KT-XH của huyện Nghĩa Đàn đã tiến những bước dài. Đồng bào các dân tộc Thổ, Thái… nơi đây đã từ bỏ lối sản xuất cũ để chuyển sang cách làm mới hiệu quả hơn, như trồng nguyên liệu cho Công ty CP Thực phẩm sữa TH. Một loạt nhà máy sữa, nước uống tinh khiết, rau củ quả, gỗ ván sợi MDF, công ty khai thác và chế biến đá trắng, lâm sản ngoài gỗ… được đầu tư xây dựng đã trở thành đầu kéo, kéo KT-XH nơi đây phát triển đi lên.
Tương tự, với hơn 90% đồng bào DTTS sinh sống, tốc độ kinh tế dù tăng trưởng chưa cao nhưng thu nhập bình quân đầu người ở Quế Phong đã đạt 28,85 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 51,43% năm 2015, xuống còn 26,49% năm 2019.Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định: Thu hút đầu tư gắn với đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM rất được huyện quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cơ cấu nội ngành hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm của huyện; huy động, phân bố, sử dụng có hiệu quả, các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững…
Miền Tây xứ Nghệ đang từng ngày đổi mới, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có nhiều bước tiến mới theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được phát huy. Giai đoạn 2013 - 2018, các huyện khu vực miền Tây Nghệ An đã giải quyết việc làm cho hơn 81.000 lao động, đạt bình quân 13.500 lao động/năm. Từ năm 2013 đến nay, miền Tây Nghệ An đã thu hút 231 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 40.554 tỷ đồng, số dự án đã và đang triển khai đạt 68%..