Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khát vọng Phúc Sen

Trường Hà - Minh Thu - 16:53, 13/05/2021

“Bản sắc của xã Anh hùng thời kỳ đổi mới là từ đôi tay làm nhiều, sáng tạo và khát vọng của đồng bào Nùng nơi đây. Xã phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2021 và tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mang đặc trưng văn hóa dân tộc Nùng…”. Đây là khẳng định của Bí thư Đảng ủy xã Đàm Đình Đạo khi chia sẻ về khát vọng của xã Phúc Sen, từng là một xã nghèo khó của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Phúc Sen nổi tiếng với nghề rèn – làm dao
Phúc Sen nổi tiếng với nghề rèn làm dao

“Ba nhiều” để xóa nghèo

Đến xã Phúc Sen, chúng tôi được hòa vào nhịp sống rộn rã của đồng bào dân tộc Nùng  từ tiếng quai búa bên lò rèn đỏ lửa, tiếng cười nói của bà con đang trồng ngô, rau, chè… Về bản Rìa Trên, Phja Thắp, Phja Chang, Lũng Vài… đâu đâu chúng tôi cũng được nghe đồng bào nói về cách làm, mục tiêu phấn đấu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, làm nghề rèn, làm giấy dó… để phát triển kinh tế.

Ông Linh Văn Phù, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen nhớ lại: Những năm 2000, Phúc Sen cơ bản là hộ nghèo, bởi nơi đây là vùng đất nhiều núi đá, ít đất canh tác, khô hạn… Là người lính 20 năm trong quân ngũ, phục viên về nhà làm ruộng, gia đình ông Phù cũng đói nghèo, bởi nhà có 8 miệng ăn nhưng chỉ có 500 m2 đất nương rẫy khô hạn.

Không chịu cảnh đói nghèo, ông Phù quyết chí thoát nghèo. Ông nghĩ rằng, nhà nông đất ít thì phải làm nhiều, trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. 

Năm 2000, ông khởi sự "làm nhiều", trồng 1 vụ lúa, ngô/năm, xen canh khoai, đỗ, lạc, rau màu vừa giữ ẩm, chống hạn vừa tạo màu, kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt. Nhờ vậy, cái đói đã được đẩy lùi; sau 4 năm, gia đình ông Phù thoát nghèo.

Nhiệm kỳ 2000 - 2005 của Đảng bộ xã Phúc Sen, ông Phúc được tín nhiệm bầu giữ chức  Phó Bí thư Đảng ủy xã. Theo đó, ông đã đề xuất với Đảng ủy xã Phúc Sen xây dựng Nghị quyết “ba nhiều” để xóa đói giảm nghèo (XĐGN).

Nghị quyết "ba nhiều" từ đề xuất của ông Phù gồm: trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Theo đó, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giúp đỡ bà con trồng nhiều cây, thâm canh, tăng vụ; chăn nuôi nhiều con; làm nhiều nghề để phát triển kinh tế nhằm gỡ khó cho thực tế ít đất canh tác ở địa phương.

Các Chi bộ đảng trong Đảng bộ xã Phúc Sen triển khai Nghị quyết đến từng hộ. Nghị quyết “ba nhiều” trúng lòng dân, mở ra “cú huých” cho người dân vượt khó làm kinh tế hộ để đẩy lùi khó khăn, vươn lên XĐGN. 

Từ hiệu quả của Nghị quyết “ba nhiều”, cuối nhiệm kỳ 2000 - 2005, xã Phúc Sen giảm 30% hộ nghèo. Nghị quyết "ba nhiều" được Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010 thống nhất tiếp tục triển khai. 

Điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới

Hiện thực hóa định hướng mới của Nghị quyết “ba nhiều”, xã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT để trang bị kiến thức cho nông dân sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bán sản phẩm. Ông Phù trở thành “thủ lĩnh” tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ xã đẩy mạnh triển khai Nghị quyết “ba nhiều”, với bước điều chỉnh mới, phù hợp tình hình thực tế.

Người dân Phúc Sen nhanh chóng bắt nhịp với cách làm mới của Nghị quyết “ba nhiều”, chủ động liên kết sản xuất hàng hóa, tạo việc làm cho 1.400 lao động địa phương. Mỗi năm xã sản xuất ra hàng trăm tấn lương thực ngô, lúa, rau màu đậu, đỗ các loại, thực phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản phẩm làng nghề thủ công bán ra thị trường.

Triển khai “ba nhiều”, đã có nhiều hộ như ông Mèng (xóm Lũng Sâu), ông Sung (xóm Lũng Vài) trồng nhiều lúa, ngô, rau màu, nuôi nhiều gia súc gia cầm; đồng thời duy trì nghề rèn, nghề đan lát nên có mức thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/năm.

Từ năm 2011 - 2021, Nghị quyết “ba nhiều” đã thấm vào mỗi hộ dân với suy nghĩ “làm nhiều và tư duy năng động”; trở thành cuộc “cách mạng” phát huy nội lực để xã Phúc Sen  thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Cùng với các nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng NTM, xã phát động phong trào “Cán bộ, nhân dân xã Phúc Sen chung tay, góp sức xây dựng NTM”.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Phúc Sen
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Phúc Sen

Xây dựng Nông thôn mới vững chắc

Với tổng nguồn lực huy động đầu tư hạ tầng cơ sở xây dựng NTM trên 80 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 1/3, hiến trên 10.000m2 đất, hằng trăm ngàn công lao động. Riêng năm 2020, ngân sách nhà nước đầu tư cho xã xây dựng NTM trên 5 tỷ đồng, Nhân dân Phúc Sen cũng đã đóng góp gần 1 tỷ đồng, 2.650 m2 đất, gần 14.000 công lao động, trên 200m3 vật liệu xây dựng để làm đường giao thông nông thôn từ các xóm, bản đến trung tâm xã

Trên nền tảng của Nghị quyết “ba nhiều”, kinh tế của xã Phúc Sen phát triển ổn định. Với tầm nhìn mới, nhạy bén và tâm huyết của đội ngũ cán bộ đảng viên trẻ, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nâng Nghị quyết “ba nhiều” lên tầm cao mới. Mục tiêu “ba nhiều” của giai đoạn mới là “Nhiều lượng- nhiều chất- nhiều giá trị” để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp và sản phầm nghề truyền thống có thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra trên thị trường.

Theo ông Đàm Đình Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen, mục tiêu thời gian tới là xây dựng xã Phúc Sen trở thành xã NTM kiểu mẫu mang đặc trưng, bản sắc riêng của dân tộc Nùng, trở thành điểm hấp dẫn du lịch cộng đồng trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. 

"Phúc Sen có cảnh quan thiên nhiên đẹp, 98% đồng bào Nùng; bản sắc văn hóa từ nếp sống, không gian kiến trúc, làng nghề được giữ gìn; bản chất của đồng bào là chăm chỉ và năng động nên tôi đặt niềm tin ở bà con sẽ nâng Nghị quyết “ba nhiều” lên một tầm cao mới để xây dựng quê hương ngày càng giàu đep, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Đình Đạo tự tin.

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.