Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khi chàng rể Cơ Tu báo hiếu

PV - 11:34, 14/08/2022

Một thời gian sau lễ cưới, khi cuộc sống gia đình đã ổn hơn, nhiều chàng rể Cơ Tu bắt đầu lên kế hoạch báo hiếu cha mẹ vợ.

Cô gái Cơ Tu xinh xắn trong ngày báo hiếu. (Ảnh: Đăng Nguyên)
Cô gái Cơ Tu xinh xắn trong ngày báo hiếu. (Ảnh: Đăng Nguyên)

Nét văn hóa độc đáo

Ông Bh’riu Pố, ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) nói, đó là sự hiếu thuận của chàng rể, thể hiện tinh thần báo đáp ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với người mà mình lấy làm vợ. Bởi, khi về nhà trai, cô dâu không còn thời gian để báo hiếu cha mẹ, thay vào đó, là dành tình cảm, chăm lo nhiều hơn cho gia đình chồng. Chính sự “thiệt thòi” đó, buộc chàng rể phải bù đắp, hình thành nên nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng người Cơ Tu.

Vài năm trước, sau thời gian làm ăn, vợ chồng Alăng Lem ở thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang tổ chức bữa tiệc báo hiếu mời cha mẹ vợ, dân làng, cùng người thân trong tộc họ. Đợt đó, Alăng Lem sắm một con trâu to chừng 8 gang tay, cùng một số vật phẩm để làm lễ. Khách mời, ngót nghét 100 người, chung vui trong không gian văn hóa Cơ Tu đầy màu sắc.

Thanh niên Cơ Tu giúp chú rể chế biến các món ẩm thực truyền thống phục vụ bữa tiệc. (Ảnh: Đăng Nguyên)
Thanh niên Cơ Tu giúp chú rể chế biến các món ẩm thực truyền thống phục vụ bữa tiệc. (Ảnh: Đăng Nguyên)

Trước ngày tổ chức, Alăng Lem mời dân làng cùng tham dự, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, vừa phụ giúp một số công đoạn cần thiết. Đồng thời cắt cử người đến mời, thường là 2 người đến nhà gái để thông báo, rước đi dự lễ. Ngày hôm sau, khi đoàn nhà gái vừa đến, cùng với mâm tiệc dọn sẵn, một đội trống chiêng đã được nhà trai được bố trí đón khách trong điệu tâng tung, da dá truyền thống.

Lưu giữ giá trị nhân văn

Người Cơ Tu gọi lễ báo hiếu này là pa’đăh. Nghĩa pa’đăh như một bữa tiệc mời tri ân của chàng rể đối với cha mẹ và người thân bên vợ. Đây được xem như “lễ cưới lần 2”, thường diễn ra sau nhiều năm làm ăn riêng, khi cuộc sống của vợ chồng trẻ đã ổn định, đủ điều kiện kinh tế để tổ chức. Tất cả hoàn toàn tự nguyện, không có sự ràng buộc hoặc tạo gánh nặng về tâm lý, luật tục.

“Khi kinh tế khá lên, chàng rể mới tổ chức. Còn không, không ai ép buộc gì cả. Bởi, nó xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo của chàng rể đối với cha mẹ vợ”, ông Bh’riu Pố nói.

Đoàn nhà gái tham dự ngày lễ báo hiếu của chàng rể Cơ Tu. (Ảnh: Đăng Nguyên)
Đoàn nhà gái tham dự ngày lễ báo hiếu của chàng rể Cơ Tu. (Ảnh: Đăng Nguyên)

Tại lễ pa’đăh, nếu vật phẩm là heo, thành phần mời chỉ trong phạm vi người thân, tộc họ của nhà gái và diễn ra trong một ngày đêm. Riêng lễ có trâu hoặc bò, cha mẹ cô dâu thường mời cả dân làng đến dự, cuộc vui kéo dài trong vài ngày liền. Tùy theo khả năng, họ sẽ góp lễ vật như gà vịt, cá, rượu, xà lùng thổ cẩm… hỗ trợ nhà gái làm quà mang tặng nhà trai trong ngày trọng đại.

Còn phía nhà trai cũng mời dân làng, người thân, tộc họ cùng đến tham dự; góp công sức, vật chất chuẩn bị ẩm thực cho bữa tiệc vui. Tất cả nghi lễ đều được tái hiện, bảo đảm nguyên vẹn theo văn hóa truyền thống, từ nghi thức rước nhà gái, cúng tế thần linh, cho đến múa hát trống chiêng, nói lý - hát lý…

Theo già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, độc đáo nhất trong lễ pă’đăh, ngoài bữa tiệc chung, còn là không gian mời thịt của nhà trai dành cho nhà gái, theo yêu cầu của chú rể. Đây là phong tục truyền thống, thể hiện tình cảm, sự tôn trọng của nhà trai dành cho nhà gái.

“Những miếng thịt ngon nhất thường được chú rể lựa chọn sẵn, cùng chén rượu đầy nhờ người thân đến mời từng thành viên gia đình cô dâu. Khi chén rượu được uống cạn, miếng thịt được ăn hết, người Cơ Tu tin rằng, tình cảm đôi bên đã thực sự hòa hợp và gắn bó, biểu thị tính nhân văn rất cao cần được gìn giữ, lưu truyền”, già Y kông nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.