Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khi cơ chế, chính sách đặc thù chưa được thực thi “đặc thù”: Tiến độ giải ngân Chương trình MTQG chưa đạt mục tiêu đề ra (Bài 2)

Thúy Hồng - 16:14, 11/08/2024

Từ ngày 01/01/2024 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 bắt đầu có hiệu lực. Việc áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719 cũng khiến cho các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Các gói mua sắm vật tư, nguyên vật liệu phải thực hiện đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia nên mất nhiều thời gian hơn... làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình và tiến độ giải ngân vốn. Nhiều dự án còn nhiều vướng mắc bất cập, chưa thể triển khai thực hiện dẫn đến tiến độ giải ngân của Chương trình chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch.

Người dân xóm Cốc Xả, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc được hỗ trợ cây mắc ca để phát triển sản xuất
Người dân xóm Cốc Xả, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc được hỗ trợ cây mắc ca để phát triển sản xuất

Bất cập trong công tác đấu thầu

Sau khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 chính thức có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới, các gói mua sắm vật tư, nguyên vật liệu phải thực hiện đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia nên mất nhiều thời gian hơn, trong khi giá nguyên vật liệu xây dựng biến động nhiều, nên các dự án phải thực hiện điều chỉnh dự toán, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình và đến tiến độ giải ngân vốn.

Mặt khác, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ở Trung ương khá chậm nên tỷ lệ giải ngân thấp. Đáng chú ý, vốn năm 2024 mới được UBND tỉnh giao trong tháng 3 - 4 nên hiện nay các sở, ngành đang ở bước chuẩn bị thủ tục, lập hồ sơ đấu thầu theo quy định.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban Dân tộc, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Hiện nay, các Dự án đầu tư có vốn từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện đấu thầu theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 gây kéo dài thời gian thực hiện. Đây là một trong những quy định đang khiến cho công tác giải ngân thực hiện các dự án chậm tiến độ.

Các quy định của Luật Đấu thầu mới cũng khiến cho các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng (Trong ảnh: Cầu giao thông nông thôn được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 1719 trên địa bàn xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng được khởi công tháng 12/2022 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023)
Các quy định của Luật Đấu thầu mới cũng khiến cho các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng (Trong ảnh: Cầu giao thông nông thôn được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 1719 trên địa bàn xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng được khởi công tháng 12/2022 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023)

Ông Trần Anh Tuấn cũng kiến nghị, Trung ương sớm có hướng dẫn thực hiện đối với số vốn đầu tư còn dư thừa sau khi thực hiện đấu thầu các chương trình, dự án. “Đối với Quảng Nam, hiện nay các nguồn đầu tư công trình dân dụng, gần như các đơn vị tham gia dự thầu bỏ dở từ 20-30%. Trước đây các công trình dân dụng không đơn vị nào quan tâm tham gia đấu thầu, nhưng bây giờ các các công trình dân dụng dù nhỏ cũng có rất nhiều nhà thầu tham gia. Đặc biệt khi bỏ thầu, các nguồn này sẽ dư thừa, cần được chuyển nguồn, bổ sung, bố trí như thế nào cho hợp lý”, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị

Liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 tỉnh Đắk Nông cũng đã có kiến nghị Bộ Tài chính, hướng dẫn lĩnh vực chi vốn sự nghiệp các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi thực hiện việc điều chuyển vốn theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội.

Nhiều dự án còn vướng mắc

Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều văn bản hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều dự án còn vướng mắc; nhất là việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình, điển hình nhất là các nội dung thực hiện về đào tạo đại học, sau đại học; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị toàn quốc Sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban Dân tộc
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban Dân tộc

Như tại Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân của Chương trình MTQG 1719 trong 6 tháng đầu năm 2024 là 228 tỷ đồng, đạt trên 22% kế hoạch. Tuy nhiên vẫn còn các tiểu dự án 2, 3, 4 của Dự án 5; Dự án 8, Tiểu dự án 1 của Dự án 9, Tiểu dự án 2, 3 – Dự án 10 tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, đạt dưới 5% kế hoạch.

Cụ thể, đối với các nội dung hoạt động của Dự án 8, một số nội dung, hoạt động Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam hướng dẫn chưa kịp thời, một số nội dung tạm dừng, như hoạt động "Phát triển nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập và lồng ghép giới" đã tạm dừng theo Văn bản số 971/ĐCT-BKT ngày 14/10/2022 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; hoạt động "Xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người" Trung ương Hội chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Hay đối với chính sách đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý (Dự án 3: Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) một số địa phương như Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định… chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, lựa chọn dự án, chưa hình thành dự án cụ thể, chưa phê duyệt danh sách dự án thụ hưởng ưu đãi tín dụng. 

Các địa phương cũng phản ánh khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp chủ trì chuỗi liên kết, do địa bàn thực hiện của chính sách là vùng DTTS và miền núi, chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Đối với các dự án dược liệu mới ở công tác lập kế hoạch, khảo sát đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, chưa làm thủ tục mời, lựa chọn chủ trì liên kết.

Song song với đó, nhiều địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719, còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, do đa số các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ; việc lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 với các Chương trình MTQG khác, tại nhiều địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.

Nhìn từ thực tế, bên cạnh nhiều địa phương đã tích cực thực hiện Chương trình, chủ động nghiên cứu triển khai cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 và đã đạt được những kết quả tích cực. Song vẫn có những địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Chương trình chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, với vai trò là cơ quan chủ trì của Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719. 

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 142/2024/QH15, thống nhất điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc trong giai đoạn “nước rút”, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.