Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khi cơ chế đặc thù chưa được thực thi “đặc thù”: Cần tạo đột phá trong triển khai thực hiện chính sách (Bài cuối)

Thúy Hồng - 07:48, 20/08/2024

Mặc dù cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành, song làm thế nào để tạo đột phá từ các cơ chế, chính sách đó thì cách làm cũng phải có sự đặc thù mới có thể khơi thông về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, thúc đẩy vùng DTTS và miền núi phát triển.

Bấp cập từ chính cơ chế đặc thù

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã có hàng trăm văn bản, cơ chế chính sách được ban hành để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Quốc hội cũng đã dành riêng một Nghị quyết về cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp đồng bào DTTS được nhanh chóng thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặc dù cơ chế, chính sách đã có, song lại phát sinh bất cập từ chính các cơ chế đặc thù, do vậy tiến độ triển khai Chương trình vẫn còn chậm, chưa theo kịp kế hoạch mục tiêu Chương trình.

Đó không phải là vướng mắc riêng gì khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù vào triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Thời gian qua, nhiều địa phương đã được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại nhiều địa phương như TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Các cơ chế đặc thù được kỳ vọng là “cú hích”, là “chìa khóa” để các địa phương tăng tốc phát triển.

Nhưng trên thực tế, khi triển khai thực hiện các chính sách được áp dụng vào thực tiễn đều có độ trễ nhất định. Có những chính sách có thể làm được ngay, nhưng cũng có những chính sách phải có quá trình chuẩn bị thì mới có thể thực hiện.

Cần phải có cách làm đặc thù mới có thể khơi thông về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719
Cần phải có cách làm đặc thù mới có thể khơi thông về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là, các chính sách mới, đặc thù và hệ thống pháp luật hiện hành luôn gắn bó biện chứng, chặt chẽ với nhau. Việc xây dựng các cơ chế đặc thù, chính sách mới cần có sự nhất quán, không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật đang có giá trị thực hiện. Trong trường hợp có sự chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, cần được xử lý kịp thời theo hướng ủng hộ những chính sách mới, đột phá, đặc thù.

Nhìn vào bức tranh triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn hiện nay, thì song hành cùng với ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cần có cách làm đặc thù để phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Chương trình. Các cơ quan chức năng của Trung ương cần có những quy định thật sự mở, như việc trao quyền quyết định cho lãnh đạo các địa phương được vận dụng sáng tạo chính sách, pháp luật hiện hành. Tránh tình trạng đã có chính sách đặc thù rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục xin ý kiến của các bộ, ngành; bộ, ngành xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ...

Cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết, nhưng để các cơ chế, chính sách đặc thù được hiện thực hóa và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, cần tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tài năng của người đứng đầu, các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong giai đoạn “nước rút”

Song hành với cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 111/2024/QH15, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thống nhất điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lai Châu tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ DTTS
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lai Châu tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ DTTS

Theo Nghị quyết 142/2024/QH15, Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thống nhất điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719. Giao Chính phủ chỉ đạo rà soát và quyết định ban hành danh mục đầu tư cụ thể đối với: các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư của Chương trình 1719 sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực hiện Chương trình tại cơ sở.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 142/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thống nhất điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện dự thảo báo cáo khả thi điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành địa phương. 

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 theo thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào  dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án đã được Quốc hội quyết định, bố trí vốn.

Việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương.

Một góc bản làng vùng đồng bào DTTS ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum
Từ nguồn lực các Chương trình MTQG, diện mạo bản làng vùng đồng bào DTTS ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đang ngày càng khởi sắc hơn

Hiện nay, thời gian thực hiện Chương trình không còn nhiều. Năm 2024 là năm  tăng tốc triển khai thực hiện các Dự án của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1. Đây là giai đoạn chạy “nước rút” để hoàn thành mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025. Do vậy việc sớm phê duyệt Quyết định điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành mục tiêu Chương trình, từ đó phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTTS và miền núi.