Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Yên Bái: Khắc phục khó khăn, triển khai, thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG

Hữu Trung - 22:59, 14/08/2024

Ngày 14/8, tại Yên Bái, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG tại tỉnh Yên Bái năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: Đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719; ông Đặng Đức Thắng - Giám đốc Ban Tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội; đại diện các vụ, đơn vị Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái.

Theo Báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Yên Bái, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 5.085,98 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư phát triển 3.036,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 2.049,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến huy động các nguồn vốn khác để lồng ghép, thực hiện các Chương trình MTQG là 18.744,9 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn hằng năm đã giao (2021 - 2024) là 3.612,2 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, vốn đầu tư phát triển: 2.236,5 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết 100% cho các dự án đầu tư), bằng 73,7% kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (vốn ngân sách Trung ương 1.909,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 327,2 tỷ đồng); vốn sự nghiệp là 1.375,763 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương). Đến nay đã phân bổ 914,37 tỷ đồng, bằng 66,4% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 461,39 tỷ đồng.

Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị

Về kết quả thực hiện kế hoạch vốn năm 2024 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang), vốn đầu tư phát triển, giải ngân đạt 468,6 tỷ đồng/kế hoạch 788,4 tỷ đồng, bằng 59,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân đạt 32,9 tỷ đồng/kế hoạch vốn tỉnh đã phân bổ 560,1 tỷ đồng (bao gồm cả số kéo dài năm 2022, năm 2023 sang năm 2024), bằng 5,9%.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.954 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó từ Chương trình MTQG 1719 đã hỗ trợ làm mới 1.172 nhà ở cho hộ nghèo (năm 2023 là 653 nhà, 7 tháng đầu năm 2024 hỗ trợ 519 nhà) và đầu tư 220 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, gồm: 72 công trình đường giao thông (khoảng 130 km); 36 công trình cầu, ngầm, kè; 22 công trình thuỷ lợi; 37 công trình trường học; 21 công trình nước sạch; 2 công trình điện nông thôn (khoảng 18.500m), 10 công trình chợ và 20 công trình văn hóa, thể thao…

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 còn 12,14% (giảm bình quân 4,93% so với năm 2022, vượt 1,93% so với mục tiêu 3% của Chương trình), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Năm 2023, toàn tỉnh công nhận thêm 1 huyện nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới; 10 xã nông thôn mới nâng cao; 5 xã kiểu mẫu. Lũy kế hết năm 2023, tỉnh Yên Bái có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 70,7% tổng số xã toàn tỉnh (trong đó có 17 xã thuộc khu vực III), đạt 84,1% so với mục tiêu của trung ương; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 82,2% so với mục tiêu của trung ương; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 61% so với mục tiêu của Trung ương; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 80% so với mục tiêu của trung ương (huyện Trấn Yên; thành phố Yên Bái; thị xã Nghĩa Lộ; huyện Yên Bình).

Đến nay, về cơ bản các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đã được các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện bảo đảm quy định; ngoài ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được hướng dẫn. Cụ thể, về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chưa hướng dẫn tiêu chí quy định “thu nhập thấp”.

Đại biểu các bộ, ngành Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Đại biểu các bộ, ngành Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Chương trình MTQG 1719 vướng mắc trong triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Tiểu dự án 3, Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi; Tiểu dự án 1, Dự án 9 về Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhiều nội dung về kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh trong việc triển khai các Chương trình MTQG liên quan đến cơ chế, chính sách và những vướng mắc ở một số dự án, tiểu dự án cụ thể.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, với sự quan tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án của các Chương trình MTQG đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi.

Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh các nội dung thực hiện phù hợp hơn, trong đó quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền, bảo đảm việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG một cách đúng nguyên tắc, hiệu quả.

Đại biểu các sở, ngành tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị
Đại biểu các sở, ngành tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho rằng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã luôn sát sao, quyết liệt, chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, toàn diện; quan tâm, chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi. Việc triển khai các dự án, tiểu dự án, các nội dung thành phần của các Chương trình MTQG tuy còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, song địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo với nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Yên Bái là một trong những tỉnh tiên phong với nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào DTTS, như: Chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch với nhiều mô hình hay, hiệu quả, đáng học hỏi; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có nhiều cách tuyên truyền hiệu quả, khơi gợi được tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS.

"Tỉnh Yên Bái cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và các bộ, ngành để triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG; quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS; tăng cường công tác kết nối giữa chính quyền với Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, trong đó quan tâm, chú trọng đội ngũ Người có uy tín; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tinh thần tự cường, tự lực của đồng bào DTTS...", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.