Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khi con rối bước ra từ tác phẩm văn học

Hồng Phúc - 15:49, 31/05/2021

Lần đầu các nhân vật trong một tác phẩm văn học được tái hiện bằng ngôn ngữ rối cạn, hay rối cạn kết hợp nhuần nhuyễn với rối nước. Với những thể nghiệm mới này, sân khấu múa rối như được khoác một tấm áo mới, thu hút đông đảo khán giả, nhất là thời điểm nghệ thuật đang “gặp khó” do đại dịch Covid-19.

Những nét đặc trưng của văn hóa DTTS Việt Nam được ê kíp sáng tạo vở rối thử nghiệm “Trăng” đưa lên sân khấu múa rối một cách đầy bất ngờ
Những nét đặc trưng của văn hóa DTTS Việt Nam được ê kíp sáng tạo vở rối thử nghiệm “Trăng” đưa lên sân khấu múa rối một cách đầy bất ngờ

Những thử nghiệm mới

“Thân phận nàng Kiều” do tác giả: Lê Chức - Nguyễn Hiếu, chuyển thể kịch bản: NSND Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam), là tác phẩm sân khấu thử nghiệm mới, mang tính đột phá khi các nghệ sĩ mạnh dạn đưa nhân vật Thúy Kiều lên sân khấu múa rối .

Vở diễn “Thân phận nàng Kiều” được coi là hiện tượng sân khấu năm 2019 - 2020, từng đạt nhiều giải thưởng và huy chương vàng, bạc tại Liên hoan quốc tế sân khấu thể nghiệm cuối năm 2019. Đây cũng là một vở diễn công phu, hoành tráng, biểu diễn thành công rực rỡ, đã bán hết sạch vé tại Nhà hát Lớn vào cuối tháng 6/2020.

Điều khiến vở diễn thu hút khán giả là sự mới lạ, độc đáo, giàu cảm xúc, trái với suy nghĩ mặc định của khán giả về loại hình múa rối, vốn dĩ hạn chế về sức biểu cảm trên gương mặt và cơ thể.

Sự sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng, cùng với tài tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên đã tạo nên những con rối có hồn mang lại nhiều sắc thái tính cách đặc trưng. Các nhân vật vốn là hình mẫu trong xã hội cũ xuất hiện thật ấn tượng: Thúy Kiều mang dáng hình cây đàn tỳ bà thanh tú, Tú Bà là một khối tròn với 2 quả bầu trước ngực; nhân vật Từ Hải là khuôn hình vuông vức; Thúc Sinh có khuôn mặt hình trái tim; mặt Hoạn Thư che bởi chiếc quạt giấy…

Bạn Lê Tiến Quân, một khán giả trẻ tuổi chia sẻ, bình thường em ít khi xem những vở nghệ thuật có yếu tố xưa. Nhưng lần đầu tiên em được thưởng thức một vở rối cạn theo thể loại này, lại ấn tượng như vậy. Đặc biệt, với phần âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại, những chi tiết hài hước sâu cay, vở diễn mang lại tiếng cười giải trí kiểu hiện  đại, nhưng chúng em vẫn hiểu ra được những triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn chứa bên trong.

Đầu năm 2021, vở rối thử nghiệm “Trăng” tiếp tục được Nhà hát Múa rối Việt Nam giới thiệu, với những tìm tòi mới trong hình thức thể hiện, kết hợp rối cạn, rối nước, rối người trên nền âm nhạc dân tộc. Vở diễn được xây dựng không dựa trên một câu chuyện cụ thể nào, mà lấy nền là yếu tố văn hóa đặc sắc của các vùng miền Việt Nam, với một chủ thể dẫn dắt xuyên suốt là ánh trăng. 

Khán giả được đưa đến miền sơn cước xa xôi, với các chàng trai cô gái DTTS miền Tây Bắc trong trang phục đầy màu sắc, réo rắt tiếng đàn tính, tiếng sáo  bay bổng hòa cùng ánh trăng mát dịu; ánh trăng trải dài vùng trung du; trăng nhuốm sáng mảnh đất Tây Nguyên với những vũ điệu truyền thống mạnh mẽ, khỏe khoắn của đại ngàn; ánh trăng lại dịu dàng trong từng câu hò, câu ví của mảnh đất cố đô Huế; xuôi về phương Nam là ánh trăng ấm áp cùng vũ điêu múa mâm vàng, múa hoa sen đặc sắc trong những làn điệu dân ca miền sông nước...

Có nhiều những vở diễn như Trăng, Thân phận nàng Kiều,… đã chinh phục khán giả bởi sự phá cách của mình, khiến sân khấu múa rối trở nên gần gũi hơn với công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các loại hình nghệ thuật dân tộc đang cần phải giữ gìn truyền thống để không bị mai một, nhưng có một thực tế là khán giả không mặn mà xem. Ta giữ gìn nghệ thuật truyền thống, là để cho giới trẻ biết và tự hào, tiếp nối, nhưng lớp trẻ mà không xem thì cũng khó để nói đến gìn giữ, tiếp nối. Thế nên, đổi mới, sáng tạo là hướng đi tất yếu của rối nước.

“Truyện Kiều” được khai thác trên sân khấu múa rối với góc nhìn mới mẻ
“Truyện Kiều” được khai thác trên sân khấu múa rối với góc nhìn mới mẻ

Cần nhiều nỗ lực

Hiện nay, xu hướng của mỹ thuật trong múa rối thường được các nghệ sĩ trau truốt hơn, mở rộng hơn vì trong hoạt động, cùng với rối nước còn có rối cạn và những loại rối khác. Hiệu quả mỹ thuật trong múa rối mang yếu tố xã hội mạnh hơn, hiệu quả tinh thần và tác động xã hội cũng khác hơn... Đôi khi người ta thêm vào đó những yếu tố của triết lý, đạo đức, giáo dục mang tính thời sự, đương đại.

NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ rằng, theo đánh giá của những người trong nghề, giới chuyên môn cũng như khán giả, thì múa rối nước ta những năm gần đây đang phát triển tốt, diện mạo của múa rối cũng có sự thay đổi. Trước đây, người ta vẫn nghĩ rối là dành cho trẻ con, rối nước dành cho khách du lịch xem, nhưng những năm gần đây, theo kinh nghiệm những người làm nghề, thì việc mở rộng các đối tượng khán giả, không chỉ thiếu nhi hay khách quốc tế, mà phải hướng đến khán giả đại chúng là việc tất yếu.

Phát triển nghệ thuật rối nước sẽ đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, bài toán làm mới nghệ thuật rối nước truyền thống tuy khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, nghiêm túc... nhưng không có nghĩa là không làm được.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.