Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Múa rối nước chủ động ứng phó trong điều kiện mới

PV - 11:26, 17/05/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phương án ứng phó trong điều kiện mới khi sàn diễn nghệ thuật được phép hoạt động trở lại.

Múa rối nước nét đẹp truyền thống được xây dựng với mô hình hiện đại. Ảnh minh họa
Múa rối nước nét đẹp truyền thống được xây dựng với mô hình hiện đại. Ảnh minh họa

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương (Công ty Thái Dương), người từng dàn dựng nhiều tiết mục đặc sắc cho Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng cho biết, Nhà hát đang trong quá trình thực hiện, hoàn tất mô hình sân khấu múa rối nước mini, dễ dàng thích ứng với diện tích biểu diễn nhỏ, không gian mở và không tập trung đông người.

Nếu kích thước sân khấu thủy đình lớn có chiều dài từ 7 - 10 mét, sân khấu thủy đình mini chỉ 4,5 mét. Trong đó, con rối cũng thu ngắn lại và thời lượng chương trình không như sân khấu lớn với 18 trò mà chỉ còn 10 trò nhưng vẫn bảo đảm tính hấp dẫn, linh hoạt để phục vụ khán giả trong đợt lưu diễn sau khi thành phố có chỉ thị mở cửa trở lại các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Mức phí đầu tư cho một sân khấu thủy đình mini là 100 -120 triệu đồng tuy nhiên rất cơ động vì có thể sử dụng mô hình sân khấu này để biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành sau khi tình hình dịch được kiểm soát.

Đạo diễn Châu Hùng Lâm, người gắn bó mật thiết với Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng cho rằng, mô hình này hứa hẹn sẽ tạo hiệu ứng đồng bộ, tuân thủ những điều kiện hoạt động trong phòng, chống dịch bệnh, đồng thời có thể hướng đến đối tượng nhỏ tuổi, để làm quen với rối nước khi tham gia biểu diễn cùng diễn viên chuyên nghiệp.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2021, học sinh Trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đã có buổi xem và tìm hiểu biểu diễn múa rối nước ngay tại sân trường. Đây là suất diễn đầu tiên của dự án “Xem biểu diễn và trải nghiệm múa rối nước” dành cho học sinh Tiểu học do Nhà hát Trẻ thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương thực hiện.

Ở góc độ quản lý, ông Trầm Thanh Thảo, Phó Giám đốc Nhà hát Trẻ cho biết, nhiều năm trước đây, Nhà hát tổ chức chương trình đưa kịch rối lịch sử vào trường học và nhận được sự hưởng ứng từ thầy cô, các em học sinh. Các buổi biểu diễn múa rối nước thường thực hiện theo lời mời của các trường quốc tế. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động này, Nhà hát xây dựng nhiều sân khấu thủy đình mini để chờ thời điểm có thể “tung quân” đi diễn tại nhiều nơi. Đây là mô hình phù hợp với yêu cầu chuyển giao công nghệ cho các địa phương muốn xây dựng sân khấu múa rối nước phục vụ hè do đặc thù dễ di chuyển, lực lượng diễn viên có sẵn từ các phong trào văn nghệ, đội nhóm của nhà trường, của nhà thiếu nhi hoặc trung tâm văn hóa.

Bên cạnh đó, Nhà hát đã lên kế hoạch liên hệ với nhiều trường học trên địa bàn để bàn việc phối hợp đưa múa rối nước vào chương trình ngoại khóa cho các em nhỏ sau khi tình hình dịch bệnh ổn định. Nhằm bảo đảm an toàn theo đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19, ê-kíp thực hiện đã nghiên cứu giảm kích cỡ vật liệu làm thủy đình, mặt sân khấu nước phải thấp hơn để các em học sinh có thể nhìn rõ trò diễn. Với mỗi suất diễn, để em nào cũng có thể được thưởng thức môn nghệ thuật này, Nhà hát sẽ cùng nhà trường sắp xếp các em theo nhóm nhỏ, tránh tập trung đông người và bảo đảm khoảng cách tối thiểu.

Sau mỗi suất diễn, khán giả nhí sẽ được tham gia trải nghiệm diễn múa rối nước, tập điều khiển những chú rối nước có kích thước nhỏ trong không gian sân khấu thủy đình mini. Mô hình đặc biệt này hứa hẹn sẽ được các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa và trường học quan tâm, vì bảo đảm được từng đợt lượng học sinh nhỏ đến xem, đảm bảo khoảng cách để giữ sự an toàn trong điều kiện hoạt động mới./.


Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): Phấn đấu trở thành điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn và giàu bản sắc

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Phấn đấu trở thành điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn và giàu bản sắc

Tu Mơ Rông (Kon Tum) là vùng đất có bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú. Những năm qua, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) và các chương trình, dự án khác, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và hướng đến phát triển du lịch để tăng thu nhập cho đồng bào Xơ Đăng nơi đây.