Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Khi dân bản được làm giấy tùy thân tại nhà

Hoài Dương - 09:59, 28/04/2020

Với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã tình nguyện về các bản, làng xa xôi và đến tận nhà cấp, đổi miễn phí giấy chứng minh nhân dân (CMND) cho người dân. Việc làm này đã điểm tô thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng dân.

Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Uyên (Lai Châu) đến tận nhà làm CMND cho người già, người khuyết tật trên địa bàn
Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Uyên (Lai Châu) đến tận nhà làm CMND cho người già, người khuyết tật trên địa bàn

Tân Uyên là một trong những huyện miền núi của tỉnh Lai Châu với dân số hơn 52.000 người, trên 80% là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ-mú, Dao, Giáy, Tày, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. 

Là địa bàn có nhiều thôn, bản cách xa trung tâm huyện, điều kiện đi lại khó khăn, nên lâu nay phần lớn những người dân vẫn quen với cuộc sống “3 thiếu” (thiếu giấy khai sinh, thiếu hộ khẩu, thiếu CMND). 

Thiếu tá Lê Văn Khoa, Phó Trưởng Công an huyện Tân Uyên cho biết, việc người dân không có giấy tờ tùy thân đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch của lực lượng chức năng, dẫn đến việc khó kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn, gây khó khăn trong công tác quản lý, phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, mua bán người. 

 Để từng bước thay đổi cuộc sống “3 thiếu”, năm 2015, Công an huyện Tân Uyên đã tập trung triển khai công tác xuống các địa bàn vùng sâu, vùng xa để cấp phát CMND cho công dân có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, đến nay đơn vị đã cấp mới CMND cho 215 người già và 18 người khuyết tật không có khả năng đi lại. Tính riêng trong năm 2019, Đội đã tổ chức 12 đợt với trung bình mỗi tháng 1 đợt xuống các địa bàn xã, bản, tổ dân phố và hoàn thành cấp mới cho 3 trường hợp, cấp lại cho 14 trường hợp và cấp đổi cho 8 trường hợp. Bên cạnh đó, mỗi đợt công tác, Đội cũng tiếp nhận 100 - 400 hồ sơ đề nghị cấp CMND của các công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã, bản. 

Để vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm hiệu quả công việc, hằng tháng, đội ngũ Công an các xã sẽ tiến hành rà soát, lập danh sách những người cần cấp CMND gửi về đơn vị. Trên cơ sở đó, bộ phận làm CMND bố trí thời gian sắp xếp lịch trình cử cán bộ phụ trách địa bàn thông báo đến dân chủ động ở nhà làm thủ tục cấp CMND. 

 Điều kiện đi lại khó khăn là một lẽ, cái khó lớn nhất trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cấp CMND, theo Đại úy Nguyễn Bá Trãi Đội trưởng Đội Quản lý Hành chính - Công an huyện Tân Uyên là, việc bà con không nhớ các thông tin về ngày, tháng, năm sinh của mình, dẫn đến các giấy tờ cung cấp không trùng khớp. Bên cạnh đó, theo phong tục, tập quán của địa phương, nhiều phụ nữ sau khi lập gia đình thường chuyển sang họ nhà chồng, thậm chí đổi cả tên đệm, dẫn đến việc xác minh thông tin nhiều khó khăn. 

Để xác minh được các thông tin cần thiết, cán bộ, chiến sĩ phải về tận nhà, tận bản làng nơi công dân đó sinh ra để hoàn thành thủ tục. Ngoài ra, nhiều đồng bào vùng cao không biết nói tiếng phổ thông, cách phát âm họ và tên bằng tiếng phổ thông không chuẩn cũng gây khó khăn cho việc ghi thông tin…

“Khó khăn là vậy, song anh em động viên nhau “vì dân phục vụ” cố gắng khắc phục những vướng mắc, hạn chế, để giúp dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại úy Nguyễn Bá Trãi chia sẻ.

Việc người dân không có giấy tờ tùy thân đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, dẫn đến việc khó kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn, gây khó khăn trong công tác quản lý, phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, mua bán người”.

Thiếu tá Lê Văn Khoa, Phó Trưởng Công an huyện Tân Uyên

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.