Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Khi lịch sử chạm tới trái tim người trẻ

Tiêu Dao - 14:00, 28/07/2023

Chiều trên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), có những người trẻ rưng rưng thắp từng nén hương thơm lên hàng bia mộ. Họ nhận ra được giá trị của lịch sử, cảm phục và biết ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc hòa bình hôm nay.

Ekip của Thắng (ngoài cùng bên trái) và Anh đã phục dựng lại hàng trăm bức ảnh chân dung các liệt sĩ miễn phí để gia đình, người thân các liệt sĩ được một chút an ủi.
Ekip của Thắng (ngoài cùng bên trái) và Anh đã phục dựng lại hàng trăm bức ảnh chân dung các liệt sĩ miễn phí để gia đình, người thân các liệt sĩ được một chút an ủi.

Chiều trên Nghĩa trang Trường Sơn

Trần Thanh Tùng năm nay mới 28 tuổi lặng lẽ thắp nén hương lên từng ngôi mộ liệt sĩ giữa mênh mông Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Những người nằm xuống nơi này đã hiến dâng tuổi trẻ và thân thể mình cho Tổ quốc, cho hòa bình của cả dân tộc. Lịch sử đã khắc ghi tên họ của những người Anh hùng ấy không chỉ trong sách vở, mà mãi mãi trong tâm trí của nhiều người...!.

Tùng rưng rưng như thế không phải vì khói hương cay mắt, mà vì những hy sinh vĩ đại của biết bao người đã ngã xuống cho Tổ quốc khi đang độ tuổi đôi mươi.

Cũng như Tùng, bạn Bùi Minh Ngọc (26 tuổi) ở Thủ đô Hà Nội cách xa hàng 5 - 600 km nhưng năm nào cũng cùng gia đình vào dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn. Bởi đó là nơi người ông của Ngọc đã hy sinh, nằm lại chiến trường. Minh Ngọc chia sẻ, mỗi lần đến Nghĩa trang Trường Sơn là một lần dâng trào nhiều cảm xúc tự hào về ông, tự hào về những đồng đội của ông đã đặt Tổ quốc thiêng liêng lên trên tất cả, hy sinh cả thân mình.

“Chúng ta đang sống trong thời bình, nhưng để có được độc lập tự do như hôm nay, đã có biết bao liệt sĩ ra đi không trở về, có vô vàn những người lính khi trở về mang trong mình những vết thương khắp cơ thể. Máu của các thương binh, liệt sĩ đã đổ xuống, tô thắm cho những trang sử hào hùng của dân tộc. Mỗi lần đến đây, tôi cũng như nhiều người khác luôn tự nhủ với lòng mình phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước để không phụ lòng những người đã ngã xuống. Nghĩa trang Trường Sơn như một trường học lớn tôi luyện tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ chúng tôi, Minh Ngọc xúc động.

Mỗi khi phục dựng xong, nhóm bạn trẻ của Thắng và Anh lại tìm về tận địa phương, nơi gia đình liệt sĩ đang thờ cúng để trao lại bức ảnh chân dung.
Mỗi khi phục dựng xong, nhóm bạn trẻ của Thắng và Anh lại tìm về tận địa phương, nơi gia đình liệt sĩ đang thờ cúng để trao lại bức ảnh chân dung.

Ngày nào cũng vậy, những dòng người vẫn đến đây. Con đi thắp cho cha nén hương, vợ đến tâm sự và bầu bạn với chồng, những người cùng đơn vị đến kể với bạn mình về chuyện chiến đấu năm xưa, hay người mẹ già lưng còng, tóc bạc chầm chậm sờ tay lên dòng chữ khắc tên con... Những người trẻ chứng kiến khoảng khắc này trái tim như thắt lại khi đâu đó vẫn có những người con đi tìm cha, vợ tìm chồng, mẹ già đi tìm con… mãi mà vẫn chưa thấy.

Những cách tri ân đầy ý nghĩa!

Nhiều người vẫn cho rằng, giới trẻ ngày nay không còn yêu thích lịch sử, hay đã lãng quên sự hy sinh của các thế hệ cha ông. Điều đó là chưa đúng! Không quay lưng với lịch sử, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn có muôn vàn cách thể hiện tình yêu với quá khứ.

Trên mạng xã hội, có một nhóm bạn trẻ như Lê Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Anh và nhiều người khác đã làm được những công việc hết sức ý nghĩa, đó là phục dựng lại những bức ảnh liệt sĩ đã bị nhòe mờ, hoen ố hay biến dạng qua thời gian. Ekip của Thắng và Anh đã phục dựng lại hàng trăm bức ảnh chân dung các liệt sĩ miễn phí để gia đình, người thân các liệt sĩ được một chút an ủi. Những bức ảnh người ông, người cha, người anh hay người em đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc được nhiều gia đình gìn giữ, như những kỷ vật đặc biệt nhất của gia đình.

Mỗi khi phục dựng xong, nhóm bạn trẻ của Thắng và Anh lại tìm về tận địa phương, nơi gia đình liệt sĩ đang thờ cúng để trao lại bức ảnh chân dung. Những người vợ đã ôm di ảnh ấy và khóc, những người mẹ dẫu mắt đã mờ, tay đã run vẫn rưng rưng ôm chặt di ảnh của đứa con trai mình, như ngày anh khoác ba lô lên đường chiến đấu. Những người con liệt sĩ có khi chưa từng một ngày được gặp cha mình đã không khỏi xúc động khi bức chân dung cha mình trở về với gia đình... Việc làm ấy đã khiến nhiều người vô cùng cảm động, và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn rất nhiều thông qua mạng xã hội.

Nhiều người đã cảm phục thốt lên rằng, chỉ từ những bức ảnh bị bào mòn bởi thời gian, chân dung các Anh hùng liệt sĩ đã được phục chế lại nhờ công nghệ AI và bàn tay, khối óc con người. Thế nhưng, nếu không có một tấm lòng với tình yêu lịch sử, sự trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc, với cả trái tim có lý tưởng cống hiến cho Tổ quốc thì những bạn trẻ ấy không thể dành tâm huyết của mình cho những bức ảnh ấy.

Mỗi dịp 27/7 về, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn lại diễn ra những hoạt động tri ân Anh hùng liệt sĩ.
Mỗi dịp 27/7 về, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn lại diễn ra những hoạt động tri ân Anh hùng liệt sĩ.

Theo như Lê Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Anh và nhiều bạn trẻ khác chia sẻ, xúc động nhất trong quá trình làm công việc phục chế ảnh là khi thấy một số chiến sĩ phải hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. “Hàng trăm tin nhắn của người nhà liệt sĩ đổ về, mong mỏi phục hồi tấm ảnh duy nhất mà các liệt sĩ để lại. Nhìn những bức chân dung liệt sĩ phai mờ theo thời gian, không còn nhìn rõ mặt, tôi quyết định phục chế miễn phí để tặng các gia đình thân nhân… Cả nhóm cảm thấy vui vì việc làm của mình có ý nghĩa khi giúp làm “sống lại” hình ảnh về người thân đã mất cho nhiều gia đình Anh hùng liệt sĩ. 

Mỗi dịp 27/7 về, khắp nơi lại long trọng tổ chức các hoạt động tri ân Anh hùng, tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Ở đó, có rất nhiều những bạn trẻ đã tham gia và họ nhận ra được giá trị của lịch sử, cảm phục và biết ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc mãi hòa bình… 

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.