Với chiến sĩ ngoài hải đảo, báo tường cũng là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu. Cứ vào những ngày kỷ niệm như Ngày thành lập Đoàn 26/3; ngày lễ Quốc khánh 2/9; Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Tết Nguyên đán…, các chiến sĩ nơi đảo xa lại sôi nổi làm báo tường.
Theo Thiếu tá Lưu Quang Sắc, Chính trị viên đảo Thuyền Chài B (huyện đảo Trường Sa), anh em chiến sĩ đều có những tâm tư, tình cảm, được lưu giữ vào những trang nhật ký, trong đó chép những bài thơ, tản văn, tùy bút “cây nhà lá vườn”. Khi cần tập trung làm báo tường, chỉ cần thông báo là mọi người rất hăng hái, nhiệt tình bắt tay vào nộp bài và làm báo.
Hỏi chuyện nhiều chiến sĩ đang công tác ở các đảo, chúng tôi biết được, ngoài giờ trực, làm việc, thì đọc sách, ngâm thơ, chơi đàn cũng là một trong những nhu cầu thường ngày. Nhiều người có năng khiếu thơ văn, sẵn sàng góp mặt những tác phẩm giàu cảm xúc, là nguyên liệu cho tờ báo tường của người lính đảo.
Thiếu úy Lưu Xuân Thắng, công tác ở đảo Song Tử Tây, bày tỏ: “Khi có nguyên liệu, phần còn lại là trình bày. Chúng em tranh thủ làm, nhanh thì ba buổi tối, chậm thì vừa vẽ trang trí nữa là khoảng gần một tuần”.
Nhưng để có giấy cỡ to, các chiến sĩ phải “đánh tiếng” từ vài tháng trước, khi có tàu ra tiếp tế thì chuyển ra. Trên cơ sở các chủ đề, từng đảo sẽ lựa chọn các bài viết phù hợp chép lên.
Ở mỗi đảo chúng tôi đến thăm, “mục sở thị” các ấn phẩm báo tường đặc sắc, đẹp cả về nội dung lẫn cách trình bày và đều đậm chất lính đảo. Như đảo Song Tử Tây có tờ “Mừng Đảng mừng Xuân”, “Xung kích”; đảo Trường Sa có tờ “Tiếp bước”, Trường Sa Đông có tờ “Xung kích”, Đá Tây B với tờ “Dâng Đảng”...
Thiếu tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ, báo tường là tâm huyết, món ăn tinh thần không thể thiếu của các chiến sĩ trẻ. Để có một tờ báo, dù giản dị như vậy, nhưng ở đảo, việc in ấn khó khăn. Bình thường, các số báo được lập theo chủ đề. Tiêu đề và phần trang trí của báo được in trước từ trong đất liền rồi được chuyển ra. Bây giờ một số tờ anh em chiến sĩ ngoài đảo gửi bài vở về trong đất liền, để các chiến sĩ trình bày, in ấn rồi gửi ra.
Mỗi số báo tường tập trung cổ vũ, tuyên dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào tuổi trẻ xung kích. Từ đó giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo sống lạc quan, yêu đời, đoàn kết, sẵn sàng, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Cùng với báo tường, các hoạt động giao lưu văn nghệ cũng thường xuyên được lính đảo tổ chức. Đặc biệt, Tết đến Xuân về, các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió đón nhận tình cảm ấm áp từ đất liền thông qua các đoàn khách ra thăm đảo. Đây là dịp để nhiều “cây” văn nghệ trổ tài đàn hát, cùng người dân trên đảo tổ chức gói bánh chưng. Các em nhỏ sinh sống trên đảo cũng sẵn sàng hát giao lưu với khách, với chất giọng ngộ nghĩnh, nhưng rất yêu đời, yêu biển đảo quê hương.
Ở các đảo có người dân như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn… tình cảm quân dân thắm thiết, chung tay thực hiện nhiệm vụ cũng khiến người đến thăm ấm lòng, tin tưởng. Thăm các hòn đảo xinh đẹp, kiên cường giữa sóng nước, lòng dạt dào niềm tin với các anh, những người lính kiên cường nơi đầu sóng không chỉ vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà còn là chỗ dựa và điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.