Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kho thóc của người Gia Rai

Ksor Nam - 12:00, 22/06/2021

Người Gia Rai quan niệm, thóc do Yàng ban tặng nên người và thóc không được “ở” cùng nhau. Bởi lẽ đó, sự tồn tại của kho thóc còn thể hiện sâu sắc triết lý và tín ngưỡng của người Gia Rai.

Kho thóc là nơi đồng bào Gia Rai cất giữ, bảo quản lúa, bắp, đậu sau khi thu hoạch. Kho thóc được đồng bào tự dựng hoặc tận dụng lại nhà cũ. Trước kia, kho thóc thường được đặt ở rìa làng, nhưng rồi đồng bào sợ bị cháy kho, trộm thóc nên chuyển kho thóc về đặt ở sát nhà để dễ theo dõi.

Kho thóc của người Gia Rai có hình thức tương tự như nhà sàn, nhưng có quy mô và kết cấu đơn giản hơn. Diện tích kho thóc chỉ chừng 8-10m2, có 4 hoặc 6 chân cột, sàn cách mặt đất chừng trên 1,5m, thoáng đãng để thóc trong bồ không bị ẩm mốc. Hai mái nhà kho được bẻ nóc, lợp tranh cỏ săng bện dày hoặc bằng tôn mỏng. Sàn trải lót các lớp tấm lồ ô đập dập hoặc bằng tấm ván gỗ theo chiều dọc và lấy dây lạt hoặc đinh cố định lại. Vách thưng kín cũng làm bằng lồ ô, nứa hoặc tấm ván gỗ. Cửa ra vào của kho thóc làm làm bằng phên lồ ô, nứa hoặc bằng tấm ván gỗ xẻ mỏng đơn sơ, chỉ để khép vào mở ra khi lấy lúa, bắp. Chốt cửa được móc đóng bằng then tre hay một đoạn dây kẽm và nay có cũng có nhà dùng bằng ổ khóa.

Gìn giữ kho thóc - một nét đẹp văn hóa của người Gia Rai 1
Buôn Ia Sóa của người Gia Rai thuộc xã Krông Năng (huyện Krông Pa, Gia Lai)

Ông Rah Lan Blung ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Dựng kho thóc là phần việc của đàn ông, vào thời điểm sau khi làm nhà ở xong thì người Gia Rai bắt tay vào dựng kho thóc. Khi lúa, bắp, đậu trên nương rẫy được thu hoạch, phơi khô xong thì mang vào cất trong bồ ở trong kho thóc. Phụ nữ Gia Rai chính là người trông coi, quản lý kho thóc và thực hiện công việc lấy lúa, bắp từ kho mang về nhà xay, giã, sàng để nấu nướng, chế biến phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Nhưng trước khi lấy lúa, bắp từ trong kho ra dùng thì phải làm lễ xuất kho với một bình rượu cần và một con gà”.

Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai vẫn có một địa phương có nhiều đồng bào Gia Rai sinh sống còn giữ được nhiều kho thóc, đó là xã Ia Phí (huyện Chư Pah). Ở đây, kho thóc luôn được các gia đình người Gia Rai xây dựng bài bản, đặt ở trước nhà. Thậm chí, nhà ở của người Gia Rai có thể cũ nát nhưng kho thóc luôn phải khang trang bởi đó là nơi cất trữ nguồn lương thực thiết yếu của con người.

Ông Rơ Châm Bloch trước kho thóc của gia đình mình. Ảnh: L.H
Người dân làng Prép, xã Ia Phí vẫn còn giữ truyền thống làm kho thóc của gia đình mình (Trong ảnh: Ông Rơ Châm Bloch ở làng Prép trước kho thóc của gia đình mình). Ảnh: L.H

Trưởng thôn Rơ Châm Háo, làng Óp, xã Ia Phí cho biết, làng Óp hiện có 124 hộ với 503 khẩu; hầu hết các gia đình vẫn giữ truyền thống xây dựng kho thóc. “Ngày trước, bà con trong làng hầu hết trồng lúa, bắp, mì nên  có kho thóc riêng. Bây giờ, cuộc sống và điều kiện sản xuất đã khác, bà con trồng cà phê, hồ tiêu, bời lời… nên một số gia đình đã cải tiến kho thóc thành nơi chứa các loại nông sản khác. Tất nhiên, khi thay đổi công năng sử dụng thì ít nhiều phải thay đổi thiết kế. Không còn nhà sàn, kho thóc có thể được xây như nhà cấp 4 bình thường để tiện khâu vận chuyển, cất giữ”, ông Háo nói.

Tương tự, người dân làng Prép, xã Ia Phí vẫn còn giữ truyền thống làm kho thóc. “Mình vẫn dạy con cháu phải làm kho thóc để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống cha ông”, ông Rơ ChâmBloch- một người cao tuổi ở làng Prép, xã Ia Phí (huyện Chư Pah) khẳng định.

  

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.