Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khơi dậy mạch nguồn văn hóa dân tộc ở Làng Teng

Tiêu Dao - Lê Ngọc - 16:17, 19/07/2021

Cô gái xinh đẹp Phạm Thị Y Hòa (24 tuổi, hướng dẫn viên của Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ cũng là người Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) hồ hởi kể về những đổi thay của làng mình: “Con gái dân tộc Hrê trong làng nổi tiếng vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Không chỉ biết dệt vải, mà giờ còn biết làm du lịch nữa”.

Phụ nữ Hrê ở Làng Teng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Phụ nữ Hrê ở Làng Teng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Trong tiềm thức của nhiều người Làng Teng và cả những người dân ở các làng xung quanh thì Làng Teng là ngôi làng duy nhất trong vùng có nghề trồng bông và dệt thổ cẩm. Đây chính là nơi cung cấp trang phục thổ cẩm cho phần lớn đồng bào DTTS ở vùng này. Hằng năm, cứ đến mùa bông là các cô gái lại mang gùi đi hái trái về kéo sợi; con trai thì đi vào núi kiếm rễ cây hay vỏ cây rừng về làm thuốc nhuộm màu để ngâm sợi. Từ những sợi bông đã nhuộm màu, qua bàn tay người phụ nữ Làng Teng đã trở thành những tấm thổ cẩm độc đáo. Đối với những người phụ nữ ở vùng cao này, nghề dệt chính là thước đo cho sự khéo léo. Đứa trẻ Hrê khi sinh ra đã thấy người mẹ miệt mài bên khung dệt. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se chỉ, nhuộm màu. Để rồi theo năm tháng, nghề dệt thổ cẩm cứ len lỏi trong từng mạch máu của những người con nơi núi rừng.

Người dân Làng Teng luôn giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc
Người dân Làng Teng luôn giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc

Nhiều năm trước đây, người dân Làng Teng nói chung, thanh niên Làng Teng nói riêng đã luôn ấp ủ giấc mơ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng từ việc khai thác các giá trị văn hóa dân tộc của làng mình. Tuy nhiên, do chưa đủ tiềm lực nên người làng đành gác lại giấc mơ, song vẫn nhắc nhau gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Cho đến năm 2016, một luồng gió mới đã thổi đến Làng Teng khi Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" chính thức được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt. Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" được triển khai xây dựng trên diện tích 1,48ha, tại xã Ba Thành, do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng (thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đối ứng ngân sách tỉnh).

Phụ nữ Làng Teng vẫn giữ bí quyết làm rượu cần truyền thống
Phụ nữ Làng Teng vẫn giữ bí quyết làm rượu cần truyền thống

Trong quá trình triển khai Dự án, các già làng, Người có uy tín liên tục được Ban Quản lý Dự án mời ra công trường thi công để tham gia đóng góp ý kiến. Già làng Phạm Văn Néo là một trong những Người có uy tín ở Làng Teng đã nhiều lần góp ý để Khu bảo tồn được hoàn thiện đúng với văn hóa của làng. Ví dụ như vị trí cái chòi lúa (chòi cất lúa) phải dời ra xa nhà ở để phòng khi cháy nhà thì chòi lúa  sẽ không bị cháy theo, làm mất đi cái ăn của người làng. Mô hình hiện vật phục dựng lại phải bố trí lại cho đúng để con cháu sau này hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc mình- văn hóa của ông bà tổ tiên để lại…

Người dân Làng Teng biểu diễn dân ca, dân vũ tại Khu bảo tồn văn hóa của làng
Người dân Làng Teng biểu diễn dân ca, dân vũ tại Khu bảo tồn văn hóa của làng

Năm 2019, khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở Làng Teng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì cũng là thời điểm Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng được hoàn thành, đi vào hoạt động.

Anh Phạm Văn Xuân (người làng Teng), Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ cho biết, Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng đã đi vào hoạt động gần 3 năm nay. Công trình gồm các hạng mục: Không gian sinh hoạt, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, kho lúa, chuồng trâu, cây nêu và nhiều hạng mục khác... Trong nhà văn hóa trưng bày các vật dụng sưu tầm; phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân Làng Teng, tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, dân ca, dân nhạc...

Mô hình “Du lịch thanh niên” Làng Teng với nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hóa, ẩm thực dân tộc phong phú
Mô hình “Du lịch thanh niên” Làng Teng với nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hóa, ẩm thực dân tộc phong phú

Thanh niên Làng Teng cũng hiện thực hóa mô hình du lịch cộng đồng của mình bằng tên gọi “Du lịch thanh niên” với rất nhiều chương trình, phát huy được hiệu quả của công trình, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào Hrê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Làng Teng bây giờ không chỉ có thổ cẩm mà còn có rất nhiều hoạt động du lịch cộng đồng. Người làng đã phục dựng lại nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống như dạy đánh cồng chiêng, dạy làm các loại bánh và ẩm thực Hrê, rượu cần, dệt vải thổ cẩm...

Hoạt động du lịch cộng đồng tại Làng Teng được tổ chức thường xuyên
Hoạt động du lịch cộng đồng tại Làng Teng được tổ chức thường xuyên

Nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh khi đi Tour hành trình về với vùng An toàn khu Ba Tơ đều ghé qua Làng Teng để tham quan, trải nghiệm văn hóa Hrê, chiêm ngưỡng các cô gái Hrê nhảy múa theo điệu cồng, điệu chiêng rộn ràng, cùng say sưa trong men rượu cần và thưởng thức ẩm thực dân tộc...

Những khởi sắc về du lịch cộng đồng, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn theo chuẩn OCOP chất lượng, chuyên nghiệp khiến người dân Làng Teng rất hứng khởi. Người làng càng có ý thức hơn trong bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương.