Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Một mục tiêu, nhiều giải pháp

PV - 10:41, 24/09/2018

Trong cuộc sống, phong trào khởi nghiệp, mỗi một cá nhân, hộ gia đình đều trăn trở với việc lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả. Ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cô gái dân tộc Dao, Lý Thị Quyên, xã Vi Hương, tốt nghiệp Sư phạm khoa Văn đã khởi nghiệp từ cây chuối trong đó chú trọng giải quyết đầu ra sản phẩm chuối sấy. Thành công từ cây chuối ngay trên mảnh đất quê hương, Lý Thị Quyên đang truyền lửa khởi nghiệp từ nông nghiệp bản làng.

Bài 5: Khởi nghiệp từ cây chuối

Xã Vi Hương là vùng quê khó khăn của huyện Bạch Thông, nằm cách trung tâm huyện hàng chục km, cuộc sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Cây chuối đã gắn bó lâu đời với người dân đồng bào dân tộc Dao tại xã Vi Hương. Bởi, đây là một loại nông sản dễ trồng, sinh trưởng nhanh. Thế nhưng, cũng như nhiều loại nông sản khác, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn lặp lại đối với cây chuối ở Vi Hương. Nhiều mùa vụ người dân bị thương lái ép giá nên chán nản, không thu hoạch, bỏ thối ngoài đồng, thu nhập của người dân rất bấp bênh.

Lý Thị Quyên (giữa) chia sẻ về hiệu quả của cây chuối với các phụ nữ Dao ở địa phương. Lý Thị Quyên (giữa) chia sẻ về hiệu quả của cây chuối với các phụ nữ Dao ở địa phương.

Nhìn cảnh nhiều diện tích đất của bà con phải bỏ hoang làm nơi chăn thả trâu bò, trong khi người dân không có thu nhập, chị Lý Thị Quyên luôn trăn trở với bài toán thoát nghèo. Do đó, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Lý Thị Quyên đau đáu một ước mơ muốn tìm lối thoát cho tình trạng cây chuối phụ thuộc đầu ra vào thương lái.

Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Quyên đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản Thiên An (tại thôn Nà Ít, xã Vi Hương). HTX có 11 thành viên đều là phụ nữ. HTX Thiên An-chuyên sản xuất chuối sấy giòn, với mong muốn giải quyết đầu ra về cây chuối cho bà con.

Sau nhiều lần tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm, Quyên đã đổ đi khá nhiều mẻ chuối sấy chưa đạt yêu cầu. Được sự giúp đỡ của một số chuyên gia, Quyên đã đến Viện Công nghệ sau thu hoạch (Hà Nội) để học hỏi thêm về kỹ thuật sản xuất chuối sấy giòn.

Sau bao vất vả, long đong, Lý Thị Quyên đã thành công với mô hình sản xuất chuối sấy khô thuận tự nhiên, không dùng phẩm màu, không dùng đường hóa học, không chất bảo quản mang thương hiệu của riêng, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao.

Lý Thị Quyên chia sẻ: “Tôi yêu thích ngành Sư phạm lắm, nhưng mỗi lần về quê hương thấy bà con trồng nhiều chuối nhưng bán cho thương lái toàn bị ép giá nên mình phải làm gì đó để giúp cho nông sản. Tôi thành lập HTX lấy tên là Thiên An với mong muốn ông trời phù hộ cho HTX được bình an, thuận buồm xuôi gió để mang sản phẩm từ chuối đến với thị trường”.

Cho dù Quyên chưa thực sự giỏi, chuyên nghiệp trong việc bán hàng, nhưng lại rất chịu khó đi chào hàng tiếp thị. Kể cả những ngày mưa gió rét mướt, Quyên cũng mặc áo mưa đi xe máy để chào hàng. Trong quá trình sản xuất chuối sấy, Quyên rất chú trọng học hỏi thêm kỹ thuật để đổi mới sản phẩm. Bao bì sản phẩm chuối sấy của Quyên trước đây làm rất mộc mạc, chỉ dùng túi nilon hàn miệng lại và cho một chiếc tem giấy bên trong. Sau khi được các chuyên gia tư vấn, Quyên đã thay đổi bao bì. Sản phẩm chuối sấy được đóng rất chuyên nghiệp, lịch sự, đẹp mắt. Trên bao bì có logo doanh nghiệp, có slogan, có “câu chuyện sản phẩm” được in bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; có mã vạch và được in đầy đủ thành phần, hướng dẫn sử dụng, khuyến cáo cách bảo quản…

Trước đây, sản phẩm của HTX chỉ bán trong tỉnh Bắc Kạn, đến nay sản phẩm chuối sấy Thiên An đã bán ra các siêu thị tỉnh ngoài như: Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… và có mặt ở nhiều sân bay, các điểm dừng chân trên tuyến tour du lịch và bán trực tuyến qua Facebook. Tổng doanh thu của HTX năm 2017 đạt trên 1 tỷ đồng. Thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng, Quyên cũng đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng.

Quyên đang có kế hoạch sản xuất thêm sản phẩm mới như: Khoai lang sấy, khoai tây sấy. Quyên bảo rằng: “tôi đang tích góp tiền mua chiếc máy thổi phồng bao bì để sản xuất dạng bim bim bán cho trẻ em nữa. Thời gian tới, HTX Thiên An sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở vật chất để tăng chất lượng, số lượng của sản phẩm chuối sấy, kèm theo đó là sẽ đưa nhiều loại nông sản khác vào sấy khô”.

VŨ HÒA - T.HUYỀN

 

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.