Chạy "nước rút" khu TĐC vùng lũ Tà Cạ
Tháng 8, Thu đã về, nhưng cái nắng miền biên xứ Nghệ hãy còn bỏng rát lắm. Dẫu vậy, vẫn không thể ngăn những bước chân hăm hở của cánh thợ xây trên công trường xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho người dân vùng lũ quét xã Tà Cạ (khu TĐC số 2). Cả một quãng đồi rộng gần 4ha đã được quy hoạch; đơn vị thi công cũng đã mất hàng tháng trời san gạt hàng ngàn mét vuông với khối lượng đất đá rất lớn.
Anh Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ phấn khởi: Khu TĐC được thi công gần nơi sinh sống của người dân nên tiến độ thực hiện của dự án, bà con đều biết hết. Ai cũng mong dự án sớm hoàn thành để được chuyển về nơi ở mới đảm bảo an toàn hơn.
Hình hài của một khu TĐC đang bước đến những công đoạn cuối cùng. Tiến độ thi công đang được đẩy nhanh hết sức. Nhìn tổng thể, mặt bằng các nền đất bố trí tái định cư đã được san gạt xong, hệ thống mương nước, kè chống sạt lở cũng đã hoàn thiện trên 90%. Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn - Nguyễn Văn Long chia sẻ: Hạ tầng Khu TĐC 2 này hiện đã thi công đạt khoảng 95% khối lượng công việc. Ngoài những ngày nắng nóng, Kỳ Sơn đã bắt đầu bước vào mùa mưa, nên những trận mưa lớn cứ 2-3 ngày lại dội xuống dẫn đến một số hạng mục nhỏ đang chờ thời tiết thuận lợi để hoàn thiện.
Theo kế hoạch, nơi ở mới của các hộ dân tại Khu TĐC số 2, gồm có 56 lô đất ở dành cho 56 hộ dân, được khởi công từ tháng 11/2022, do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Công trình quy mô 3,9ha, mỗi lô đất trung bình có diện tích 220 mét vuông. Tổng diện tích sàn nền 14.222 mét vuông.
Do san phẳng cả một quả đồi để bố trí TĐC, nên các khu đất được thiết kế theo các tầng, cấp khác nhau. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu, thời tiết nắng chói chang, nhưng trên công trường tiếng máy múc rì rì ngoạm đất, tiếng máy trộn bê tông ù ù, xen lẫn tiếng í ới và những bước chân hối hả của công nhân đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Viết Hiếu, cán bộ kỹ thuật thi công của Công ty Đại Nam thông tin: Khu TĐC nằm ở vị trí thổ nhưỡng có hàm lượng đá và đất cấp 4 chiếm phần lớn nên cần nhiều thời gian để xử lý. Thêm vào đó, thời tiết ở Kỳ Sơn mưa nhiều, gây nguy cơ sạt lở đất, đường trơn nên thường xuyên phải ngừng thi công, ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Hôm nay, không mưa nên chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Nếu thời tiết thuận lợi, thì khoảng chừng một tháng nữa sẽ hoàn thành dự án.
Với tiến độ như hiện tại, niềm mong mỏi có chốn an cư trước mùa mưa bão năm nay với người dân vùng lũ Tà Cạ đã sắp trở thành hiện thực.
Nhiều công trình còn ngổn ngang
Đó là ở Tà Cạ, còn trên miền biên viễn xứ Nghệ, ngoại trừ công trình khu TĐC số 2 cho người dân vùng lũ Tà Cạ đã rõ hình hài và đang chờ ngày bàn giao. Còn lại, ở nhiều công trình TĐC khác thuộc Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, vẫn đang còn rất ngổn ngang, nhiều khó khăn hiển hiện.
Nén tiếng thở dài, Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn - Nguyễn Văn Long bảo: Ở Kỳ Sơn còn có mấy khu TĐC khác, mỗi khu có những khó khăn riêng, khiến huyện rất lo về tiến độ dự án cũng như tiến độ bố trí an cư cho người dân.
Ngay tại khu TĐC ở xã Bảo Nam, quy hoạch 55 lô đất ở đang bị sạt lở nặng. Khi thi công, đơn vị đã khoan thăm dò, quá trình triển khai đã gặp nền đá bên dưới nên rất vất vả. Nhưng mấy trận mưa lớn vừa rồi khiến đất từ đỉnh đồi phía sau sạt xuống, nên công trình đang phải tạm dừng lại. Tiến độ của khu TĐC này mới đạt khoảng 65%.
Ngoài ra, ở huyện Kỳ Sơn còn có khu TĐC thuộc xã Mỹ Lý, quy hoạch 51 lô đất, đã đạt tiến độ 80-85%. Dẫu vậy, thì những hạng mục nhỏ như làm mương thoát nước, đường nội bộ, gia cố những vị trí có nguy cơ sạt lở… cũng đang gặp khó khăn. Ông Long nói thêm: Hiện tại, các hạng mục nhỏ của dự án đang được đẩy nhanh nhưng gặp khó khăn do thời tiết đã bước vào mùa mưa. Với tiến độ và thực tế hiện nay, nhanh nhất cũng phải đầu năm 2025 thì 2 dự án TĐC ở xã Bảo Nam và Mỹ Lý thuộc Dự án 2, Chương trình MTQG 1719 mới bố trí được cho người dân.
Khó khăn chưa dừng ở đó, hiện đang có một số dự án TĐC, do vướng đất rừng, việc xin ý kiến của các đơn vị có thẩm quyền đối với các thủ tục chuyển đổi và đánh giá tác động môi trường cũng mất rất nhiều thời gian.
Đơn cử như dự án TĐC số 1 dành cho người dân vùng lũ Tà Cạ xây dựng ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, vướng mắc đất rừng nên đang phải xin thủ tục chuyển đổi. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng thông tin: Thủ tục đánh giá tác động môi trường thì Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt. Còn thủ tục chuyển đổi đất rừng, huyện nộp hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây mấy tháng, nhưng được trả lời, thủ tục này giao cho UBND cấp tỉnh phê duyệt. Chúng tôi đang chờ HĐND tỉnh họp phê duyệt, thì mới tiến hành các bước tiếp theo.
Cùng chung cảnh ngộ ấy, khu TĐC thuộc Dự án 2, Chương trình MTQG 1719 tại khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương), với diện tích 8,07ha, có tổng mức đầu tư là hơn 34,6 tỷ đồng; đang chờ phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư huyện Tương Dương cho biết: Tháng 10/2023, chúng tôi hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh, thì hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ kết quả phê duyệt. Sau khi hoàn tất bước đánh giá tác động môi trường, thì mới đến giai đoạn trình Sở Xây dựng thẩm định bản vẽ thi công. Thủ tục đánh giá tác động môi trường kéo dài, nếu không công trình đã xây dựng xong từ năm trước rồi.