Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khởi sắc ở Yên Thuận

Hà Phúc - 13:31, 18/12/2024

Với hơn 80% là đồng bào DTTS sinh sống, xuất phát điểm thấp, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của Nhân dân và cả hệ thống chính trị, từ sự hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) đang từng bước bứt phá, vươn lên.

Anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy thu hoạch chanh tứ thì.
Anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy thu hoạch chanh tứ thì.

Yên Thuận là xã thuộc vùng III, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, vùng khó khăn của huyện Hàm Yên. Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, diện mạo địa phương này đang ngày càng khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Xã Yên Thuận hiện có trên 1.388 hộ dân, với trên 5.800 nhân khẩu. Thời gian qua, để giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, xã đã vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Chính quyền xã Yên Thuận đã triển khai phong trào thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” đã có nhiều tấm gương hội viên làm kinh tế giỏi, với những cách làm hay để những hội viên khác học tập.

Trong những năm gần đây, cây chè đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, đã được người dân đầu tư vào phát triển trong việc trồng, chăm sóc và chế biến chè tại địa phương. Hiện xã đang duy trì diện tích trồng chè với trên 344 ha, năng suất bình quân 93 tạ/ha. Để cây chè có thể duy trì và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, xã Yên Thuận đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây chè cho người dân và đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Hiện, Yên Thuận có 5 Hợp tác xã (HTX). Trong đó, HTX Chè xanh Thuận Thủy, là 1 trong 5 HTX đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Dự án "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Sản phẩm chè xanh Yên Thuận của Hợp tác xã Thuận Thủy đã đạt OCOP 3 sao. HTX Thuận Thủy hiện có 7 thành viên sản xuất chè với diện tích trên 20 ha, thu nhập của xã viên đạt khoảng 100 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, mô hình trồng chanh tứ thì cũng đang là điểm sáng của địa phương. Vườn chanh tứ thì trên đất đồi của anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy hiện đang cho thu hoạch rộ. Anh Quảng chia sẻ, chanh trái vụ năm nay được giá có lúc anh bán tại vườn đến 27.000 đồng/kg, hiện đang bán 18.000 đồng/kg. Nếu cứ bán với giá này thì năm nay anh thu tiền tỷ trên hơn 2.000 gốc chanh tứ thì. Hiện, toàn bộ diện tích chanh tứ thì của gia đình đã được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến lên tới 200 triệu đồng, đảm bảo cây chanh đủ nước sinh trưởng và cho trái đẹp, mọng.

Ông Đỗ Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: để người dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững, huyện Hàm Yên đã lồng ghép các Chương trình MTQG (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới), để hỗ trợ sản xuất tạo sinh kế cho người dân.

Người dân thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận phát triển cây chè theo hướng VietGap.
Người dân thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận phát triển cây chè theo hướng VietGap.

Đặc biệt, huyện Hàm Yên đã triển khai hiệu quả Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, Yên Thuận hiện nay đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Hiện, toàn xã có 344 ha chè; 756 ha rừng sản xuất và 644 ha cam sành. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động phát triển kinh tế gia đình, cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ nghèo đa chiều về dưới 13%. Đến nay, 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%…nhiều công trình điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông tới các thôn... được xây dựng khang trang, kiên cố.


Đọc nhiều