Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu

Thúy Hồng - 14:23, 02/08/2021

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Theo đó, Bộ Công Thương đánh giá, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan và địa phương đang nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.


Ngành Công Thương đã nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa
Ngành Công Thương đã nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tính chung 7 tháng năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. Riêng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng năm 2021 ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.

Đối với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch Covid-19, có 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cà Mau, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre.

Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó. Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục.

TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021, chỉ số IIP tháng 7/2021 tăng vẫn 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.

Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và Tổ Công tác tiền phương phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tại phía Nam để xử lý kịp thời các vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch.