Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bảo đảm nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng sâu, vùng xa

Hiếu Anh - 21:24, 13/04/2020

Trước đây, vấn đề lưu thông hàng hóa cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa vốn đã khó khăn, nay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, thời gian qua người dân cùng chính quyền các địa phương cũng đã tích cực bảo đảm hàng hóa nhu yếu phẩm để không ai bị thiếu, bị bỏ lại phía sau…

Các điểm bán hàng nhỏ lẻ ở bản làng được duy trì để phục vụ người dân.
Các điểm bán hàng nhỏ lẻ ở bản làng được duy trì để phục vụ người dân.

Hàng hóa tới tận bản làng

Trong khi cả nước đang tích cực thực hiện giãn cách xã hội, việc bảo đảm hàng hóa cho vùng đồng bào DTTS tuy có bị ảnh hưởng, song vẫn được duy trì ổn định. Anh Trần Ngọc Nam, Xã Vĩnh Phúc, Huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, sau khi có quyết định giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, người dân đã hạn chế tối đa đi lại. Các chợ phiên gần như không được mở, 3 tuyến xe khách nối địa bàn xã tới trung tâm TP. Hà Giang, Hà Nội ngừng chở khách… Nhưng hằng tuần, xe tải chuyên chở các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu, mắm, muối… vẫn tới tận các thôn, bản vùng cao để cung cấp cho bà con DTTS.

Còn anh Tráng A Chu, ở bản Hua Tạt, Xã Vân Hồ, Huyện Vân Hồ (Sơn La) cho biết, Hua Tạt vốn là bản làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ sở kinh doanh của anh nói riêng và người dân trong bản nói chung gần như không có khách. Hiện nay, phần đông các hàng quán đã đóng cửa, chỉ những cửa hàng tạp hóa phục vụ những mặt hàng thiết yếu là mở cửa, nhưng cũng hạn chế số lượng khách vào. Việc giao thông đi lại cũng như buôn bán tuy bị hạn chế, song trước mắt vẫn bảo đảm đủ nhu cầu cho người dân.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Chia sẻ về vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân mùa dịch, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, hiện tỉnh đã xây dựng phương án chi tiết cung ứng hàng hóa, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19.

Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại hạng III, 6 siêu thị, 111 chợ. Cùng với đó là các chuỗi cửa hàng tiện ích, đồng thời có khoảng trên 10.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cửa hàng, tạp hóa từ các đô thị đến trung tâm các xã, cụm xã, bản vùng sâu, vùng xa. Nhìn chung, hệ thống phân phối hàng hóa của Sơn La cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cũng cho biết: Để bảo đảm nguồn hàng thiết yếu cho người dân trong mùa dịch, Sở đang nỗ lực làm việc với các cơ sở chăn nuôi hạ giá sản phẩm xuống còn 75.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Các đơn vị chăn nuôi lớn đợt này bảo đảm cung ứng ra thị trường 556.000 con lợn, trọng lượng trung bình từ 1,2 tạ/con để bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn.

Chia sẻ về các chương trình chính sách hỗ trợ bà con DTTS trong đợt dịch Covid-19, ông Hoàng Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc - UBDT) cho biết, UBDT liên tục cập nhật tình hình cũng như mức độ ảnh hưởng dịch Covid-19 tới vùng đồng bào DTTS. UBDT đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành lên kế hoạch và thực hiện hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.