Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kiên Giang: Bước phát triển nhanh, toàn diện

Hạnh Nguyên - 16:07, 13/10/2020

Nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang là tỉnh duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có biên giới, đường thủy, đường bộ và hải đảo. Toàn tỉnh có 56.782 hộ đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 13,4% số dân. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng cao.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ III năm 2019.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ III năm 2019.

Nhiệm kỳ nhiều dấu ấn

Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang  khóa X, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm; quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.458 USD năm 2020 (gấp 1,66 lần so với năm 2015).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, kinh tế biển vẫn là thế mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GRDP của tỉnh (79,76% GRDP). Năm 2019, Kiên Giang là tỉnh có nguồn thu ngân sách đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Tính cả nhiệm kỳ, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 49.807 tỷ đồng; riêng năm 2020 đạt 11.540 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với năm 2015 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết).

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Kiên Giang đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã công nhận 79/117 xã đạt tiêu chí NTM, trong đó có 40 xã vùng đồng bào DTTS; 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra. Toàn tỉnh đã có 7/9 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

Lĩnh vực an sinh xã hội được bảo đảm, tỉnh đặc biệt quan tâm hơn phúc lợi xã hội cho người dân. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giải quyết việc làm cho 183.205 lượt lao động, vượt 4,68% Nghị quyết Đại hội. Nhờ đó, đời sống Nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, giảm còn 2,69%. Các mục tiêu bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực hiện; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, có hoàn cảnh ĐBKK giảm.

Ông Nguyễn Thanh Nghị (người mặc áo hồng), kiểm tra công tác an ninh quốc phòng trên đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Nghị (người mặc áo hồng), kiểm tra công tác an ninh quốc phòng trên đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc.

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Khmer chiếm 13,4% dân số, đông nhất tỉnh và đứng thứ ba trong khu vực ĐBSCL, trong nhiệm kỳ qua, Kiên Giang đã triển khai thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo đúng chính sách, pháp luật. Các tôn giáo trong tỉnh nghiêm túc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia thực hiện các hoạt động an sinh - xã hội ở địa phương, tuân thủ hiến chương, điều lệ của tôn giáo theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Theo ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, những năm qua, kịp thời triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS. Tỉnh đã tập trung hỗ trợ vốn, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nghèo, chú trọng dạy nghề lao động nông thôn, đồng bào DTTS... Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho bà con sinh sống trên địa bàn xã khó khăn, vùng biển đảo, giúp người dân có điều kiện khám và điều trị bệnh. Các địa phương đã thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả và đang được nhân rộng.

“Các mô hình nuôi bò kết hợp trồng rau xanh, nuôi cá; mô hình nuôi trâu, mô hình nuôi heo; trồng nấm rơm tại Gò Quao; nuôi ba ba tại An Biên; mô hình nuôi lươn tại xã Minh Thuận; mô hình tôm + lúa; mô hình lai giống heo rừng; mô hình nuôi tôm bán thâm canh; mô hình sinh sản cá rô đồng trong ruộng lúa… Các mô hình giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, góp phần cải thiện mức sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh từ 17,6% năm 2015 xuống còn 4,7% vào cuối năm 2019”, ông Phúc thông tin.

Đánh giá về kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra. Tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực. Những thành tựu trên, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và chính quyền Kiên Giang tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới. Tỉnh phấn đấu, tiếp tục duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng ĐBSCL và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.