Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi: Nhiều thành tựu nổi bật

Thanh Huyền - 14:57, 29/04/2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói về sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”. Cơ đồ, tiềm lực đó có đóng góp bởi sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Đường vào bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi hôm nay. (Ảnh chụp tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Văn Hoa
Đường vào bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi hôm nay. (Ảnh chụp tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Văn Hoa

Hàng loạt chủ trương, quyết sách về công tác dân tộc

Vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm: 5.266 xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của gần 14,2 triệu đồng bào của 53 DTTS. Nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đoàn kết vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển mới; đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.

Chỉ tính riêng 10 năm qua, đã có hàng loạt những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc. Quốc hội khoá XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó, dành Điều 5 hiến định về công tác dân tộc: “…Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt… Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Quốc hội đã ban hành 62 luật với 196 điều, điều chỉnh các nội dung liên quan đến công tác dân tộc và chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hoà quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS...”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó ban hành Kết luận số 65- KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là những quyết sách mang dấu ấn lịch sử về công tác dân tộc.

Từ năm 2010 - 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị định, nghị quyết, quyết định về công tác dân tộc. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của 51 tỉnh trong vùng DTTS và miền núi đã ban hành 2.700 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quyết định chỉ đạo về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Đồng bào DTTS huyện vùng cao Pắc Nặm (Bắc Kạn) thay đổi cơ cấu cây trồng bằng những giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng bào DTTS huyện vùng cao Pắc Nặm (Bắc Kạn) thay đổi cơ cấu cây trồng bằng những giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những thành tựu nổi bật

10 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… phục vụ đồng bào. Đến nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96.7%; 100% xã có trường tiểu học, THCS; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng.

Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ người đủ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, THCS tăng 9%, THPT tăng 14,7%. Xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 -4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn NTM, có 27 huyện ở vùng DTTS và miền núi (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới...

Có thể thấy rõ nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm qua, nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, thì đây vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) nhấn mạnh: “Trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà Bác đã dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Bước sang giai đoạn mới, thực hiện chính sách dân tộc có những thời cơ, vận hội mới, song cũng còn nhiều thách thức đan xen. Vì vậy, cần có quyết tâm cao, hành động quyết liệt để vùng đồng bào DTTS và miền núi có bước phát triển vượt bậc, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh. 

Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 chỉ ra, mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS đến năm 2025 tăng trên 02 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 03%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay). Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030. Cùng hàng loạt các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội khác…

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Không chỉ làm cho địa danh Hương Khê (Hà Tĩnh) trở nên nổi tiếng, loài bưởi Phúc Trạch cũng mang lại sự giàu có, phồn thịnh cho người dân ở địa phương. Để thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” tiếp tục phát triển ổn định và vươn xa, mang lại nhiều cơ hội tăng nguồn thu nhập cho người dân, huyện Hương Khê và người trông bưởi đã thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch.