Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Kon Tum: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo

Vĩnh Sơn - 05:50, 08/12/2023

Nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo nhanh và bền vững, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trọng tâm của đề án không chỉ hướng đến huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tập thể, mô hình HTX.
Tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế tập thể, HTX.

HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông (ở thị trấn Đăk Tô) được đánh giá là một trong những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu biểu tại huyện Đắk Tô. HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản xuất.

Hiện HTX đã phát triển được hơn 25 ha cà phê, 10 ha cao su, 5ha cây ăn quả. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 2 tổ hợp tác phát triển được 60ha cây cà phê ở hai xã của huyện Đắk Tô là xã Diên Bình (11 hộ dân, có 30ha) và xã Tân Cảnh (9 hộ dân, 30ha), phần lớn là hộ đồng bào DTTS. Khi tham HTX, các thành viên và hộ dân liên kết đều được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, giúp họ yên tâm về đầu ra…

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Giám đốc HTX cho biết, với sự tương trợ giúp đỡ nhau, các hộ gia đình là thành viên của HTX và các hộ dân liên kết (chủ yếu là đồng bào DTTS) đã có cuộc sống khấm khá. Nhiều hộ dân từ đó dần biết cách làm ăn, nắm vững kỹ thuật chăm sóc các loại cây, được bà con trong vùng học tập, làm theo. Hoạt động của HTX đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.
HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

Là một thành viên HTX, anh Nguyễn Xuân Đại (ở thôn 1, xã Tân Cảnh) cho biết gia đình anh chuyên trồng các loại cây ăn quả và đến nay đã cho thu hoạch, mang đến thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tham gia HTX, anh Đại và các thành viên cùng nhau bàn bạc để đưa ra hướng làm ăn tốt nhất, đặc biệt là hỗ trợ nhau trong tìm đầu ra sản phẩm…Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều người ở xã Tân Cảnh và các xã khác trong huyện Đăk Tô đã đến tìm hiểu, học hỏi.

Hoặc như hộ gia đình anh Lương Thế Mạnh (ở tổ 1, khối phố 7, thị trấn Đăk Tô) cũng là một thành viên HTX có thu nhập khá cao. Với 2ha cao su, 2ha cà phê, 3ha mì kết hợp với chăn nuôi bò, từ khi tham gia HTX, mỗi năm gia đình anh cũng có thu nhập từ 300- 500 triệu đồng. Anh Mạnh còn được huyện Đăk Tô công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Toàn huyện Đăk Tô hiện có 23 HTX nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Khi liên kết sản xuất với các HTX, nhiều người dân vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Kon Tum từng bước thoát nghèo bền vững.
Khi liên kết sản xuất với các HTX, nhiều người dân vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Kon Tum từng bước thoát nghèo bền vững.

Ông A Hơn, Bí thư Huyện ủy Đăk Tô cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, thực hiện có hiệu quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, huyện sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX hiệu quả cho người dân học tập và làm theo.

Theo Bí thư Huyện ủy Đăk Tô, phát triển nông nghiệp của huyện đang đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hoá và đã đạt được những kết quả tích cực từ sự góp sức của kinh tế tập thể. Qua đó góp phần tăng thu nhập ổn định cho nhân dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS (chiếm 57,17% dân số) ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, khi triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo bền vững, huyện Đăk Tô đã tập trung hỗ trợ cây con giống theo nhu cầu của người dân và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả thiết thực. Như trong năm 2023, huyện đã phê duyệt 7 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca và 4 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản.

Tham gia HTX, các hộ dân được hỗ trợ về mặt con giống và kỹ thuật chăm sóc để phát triển sản xuất.
Tham gia HTX, các hộ dân được hỗ trợ về giống và kỹ thuật chăm sóc để phát triển sản xuất.

Tương tự huyện Đăk Tô, huyện Đăk Hà cũng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo.

Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất chế biến Nông - Lâm sản Nghĩa Phát được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình nông - lâm kết hợp từ năm 2019. Đến nay, Công ty đã triển khai đầu tư hơn 750 tỷ đồng trên quy mô 270 hecta cây sầu riêng Musang King xen với mít Thái, 45 hecta cây Dổi xanh. Các loại cây trồng đã xuống giống có tỷ lệ sống trên 80%, phát triển tốt và bước đầu cho thu hoạch. Điều đáng nói là Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động phổ thông tại địa phương, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện việc làm với thu nhập ổn định giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, đặc biệt giúp người DTTS tại địa bàn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trong tư duy, tập quán và kỷ luật lao động.

Anh Phan Văn Quyết – Phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH sản xuất, chế biến Nông Lâm sản Nghĩa Phát chia sẻ: Mỗi công ty sẽ có một kỹ thuật riêng để hướng dẫn cho công nhân giúp họ thành thạo công việc. Khi liên kết sản xuất với công ty, người dân (đặc biệt là đồng bào DTTS) được nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà: Hiện nay việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện tốt hơn việc liên kết, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Qua đó, hướng việc sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết chuỗi để vừa làm ra nhiều loại sản phẩm khác nhau, vừa tăng cường sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu của các của sản phẩm tại địa phương.

Nhờ người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vùng đồng bào DTTS ở Kon Tum từng ngày “thay da đổi thịt”.
Nhờ người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vùng đồng bào DTTS ở Kon Tum từng ngày “thay da đổi thịt”.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum có 261 HTX, 1 Liên hiệp HTX. Hiệu quả hoạt động của các HTX không ngừng được cải thiện qua từng năm. Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: Kinh tế tập thể, HTX có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo. 

“Đề nghị các cấp, các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, HTX phát triển hiệu quả, chiều sâu. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS”, ông Tháp nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.