Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kon Tum: Khai mạc Liên hoan Sắc màu thổ cẩm lần thứ II và ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

P.Nguyên - L.Phương - 19:54, 06/02/2023

Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 - 9/2/2023), chiều 6/2, UBND Tp. Kon Tum tổ chức Khai mạc Liên hoan Sắc màu thổ cẩm lần thứ II và ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, Tp. Kon Tum.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Liên hoan Sắc màu thổ cẩm lần thứ II gắn với Lễ ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa được tổ chức tại Nhà rông làng Kon Jơ Ri và kết nối với điểm Nhà rông Làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa để bố trí không gian trải nghiệm và trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm của các đơn vị, tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Tại đây sẽ tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tổ chức không gian thực hành dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục thổ cẩm của đồng bào các DTTS Tp. Kon Tum.

Các đại biểu tham dự Liên hoan và Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri
Các đại biểu tham dự Liên hoan và Lễ ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri

Tham gia Liên hoan có 38 nghệ nhân đến từ 7 xã (Vinh Quang, Ngọc Bay, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà, Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình) và 3 phường (Thống Nhất, Thắng Lợi, Quang Trung) của Tp. Kon Tum, với 3 hoạt động: Tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS; tổ chức không gian thực hành dệt thổ cẩm; trình diễn trang phục thổ cẩm. Liên hoan diễn ra đến hết ngày 7/2, tại làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, Tp. Kon Tum.

Trình diễn trang phục thổ cẩm tại Liên hoan
Trình diễn trang phục thổ cẩm tại Liên hoan

Cũng tại Chương trình, UBND Tp. Kon Tum đã ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa theo Quyết định 02/QĐ-UBND ngày 6/1/2023 của UBND tỉnh về việc công nhận điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa.

Tái hiện quy trình dệt thổ cẩm và trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống và cách tân hiện đại
Tái hiện quy trình dệt thổ cẩm và trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống và cách tân hiện đại

Cách trung tâm Tp. Kon Tum khoảng 6 km, làng Kon Jơ Dri là 1 trong 5 làng đồng bào DTTS của xã Đăk Rơ Wa. Làng Kon Jơ Dri được đánh giá là một trong những làng cổ ở Tp. Kon Tum còn giữ được những nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của đồng bào Ba Na, như nhà rông được dựng ở giữa làng, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, hội họp của làng; tỷ lệ nhà sàn truyền thống trong làng hiện cũng chiếm trên 20%. Các hoạt động, nghi lễ văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các lễ hội truyền thống, các bài dân ca cổ, cồng chiêng, múa xoang được bảo tồn.

Tặng cờ và hoa cho các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan
Tặng cờ và hoa cho các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan

Làng Kon Jơ Dri có những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống, không gian kết nối với Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Rơ Wa. Không ít khách du lịch phương Tây chọn hình thức “du lịch Homestay” để được thăm quan trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, phong tục của dân tộc Ba Na ở làng Kon Jơ Dri.

Hiện nay, Tp. Kon Tum có 3 làng du lịch cộng đồng, là Kon K’Tu, Kon Jơ Dri, Kon Klor và 1 điểm du lịch cộng đồng A Biu ở xã Ngọc Bay.

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.