Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kon Tum: Nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS

Ngọc Chí - 08:13, 11/07/2024

Nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông, qua đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum giảm rõ rệt
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum giảm rõ rệt

Nâng cao kỹ năng cho đội ngũ truyền thông

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT)”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), trong tháng 7/2024, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động phòng chống nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT cho 70 học viên là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, cán bộ xã và cán bộ thôn thuộc xã Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Ngọk Lây.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động phòng chống nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động phòng chống nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT

Các học viên được nghiên cứu 4 chuyên đề, gồm: Khái niệm, thực trạng TH&HNCHT, vai trò của cán bộ cấp xã, cấp thôn trong việc truyền thông chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; kiến thức và kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT; pháp luật về hôn nhân gia đình, TH&HNCHT; chiếu phim, Vidieo, Post âm thanh về thực trạng TH&HNCHT.

Ông A Bé (dân tộc Xơ Đăng) - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn giúp tôi nắm bắt được những kiến thức mới, những quy định của pháp luật về hôn nhân, hậu quả của TH&HNCHT. Qua đó, khi tuyên truyền tôi nói người dân dễ hiểu hơn.

Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật xã, thôn với gần 1.000 người tham dự là cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn. Với phương pháp tập huấn có sự tham gia tương tác của học viên, báo cáo viên sẽ truyền đạt lý thuyết, tổ chức cho học viên thảo luận tại lớp để có bài thu hoạch và cùng nhau thảo luận.

Thông qua các lớp tập huấn giúp đội ngũ truyền thông ở cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động
Thông qua các lớp tập huấn giúp đội ngũ truyền thông ở cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động

Ông A Bân (dân tộc Xơ Đăng) - Thôn Đăk Xia, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm của nhau để xác định được một số nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra TH&HNCHT tại địa phương mình, từ đó có những giải pháp tối ưu, đồng bộ nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT tại địa bàn.

Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức 4 Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về TH&HNCHT; tổ chức 1 đợt đưa đoàn đại biểu là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện, xã, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền Trung với 34 người tham gia.

Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Đội ngũ làm công tác tuyên truyền đã được trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật, từng bước phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền vận động, cụ thể: Thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân góp phần nâng cao chất lượng dân số xóa bỏ hoàn toàn TH&HNCHT trong đời sống đồng bào DTTS, đặc biệt là con em mình không TH&HNCHT để trẻ sinh ra không bệnh tật, gia đình được ấm no, hạnh phúc.

Phát huy vai trò đội ngũ truyền thông

Thực hiện cuộc vận động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy Kon Tum “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”, ông A Do (dân tộc Gié Triêng), già làng, Người có uy tín thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei thường xuyên phối hợp với các đoàn thể thôn tổ chức tuyên truyền cho người dân tại các buổi họp thôn và trực tiếp tại các hộ gia đình, nhằm giúp bà con hiểu rõ về những tác hại của TH&HNCHT và dần xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Ông A Do (dân tộc Gié Triêng) chia sẻ thêm: Để bà con tin, làm theo thì tôi tuyên truyền các con trong gia đình phải gương mẫu đi đầu, không được tảo hôn. Lập gia đình thì phải đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Khi tuyên truyền thì tôi phân tích, dẫn chứng cụ thể những tác hại của TH&HNCHT để người dân hiểu. Qua đó thì các hộ cũng chấp hành, hiện tình trạng tảo hôn trong thôn đã giảm hẳn và hôn nhân cận huyết thống không còn diễn ra.

Già làng A Do (ngoài cùng bên trái) cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình
Già làng A Do (ngoài cùng bên trái) cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình

Ông A Lek (dân tộc Gié Triêng), thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho biết: Các đoàn thể của xã và già làng tuyên truyền, vận động thì gia đình tôi cũng hiểu rõ về tác hại của tảo hôn, kinh tế sẽ chậm phát triển, các con không được chăm sóc đầy đủ. Vì vậy, vợ chồng tôi tuyên truyền các con là không nên lập gia đình sớm, lo học hành, sau này đủ tuổi thì mới được kết hôn.

Tương tự, với vai trò là đảng viên, bà Y Rưa (dân tộc Xơ Đăng), thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy thường xuyên truyền đạt những kiến thức về TH&HNCHT mà bà nắm bắt được thông qua các buổi tập huấn đến với người dân trong thôn, trong xã. Với phương châm mưa dần thấm lâu, không chỉ tuyên truyền ở các buổi họp thôn, bà còn đến trực tiếp những hộ gia đình sinh để tuyên truyền, vận động.

Bà Y Rưa chia sẻ: Trước đây, tình trạng TH&HNCHT diễn ra thường xuyên. Từ khi có công tác tuyên truyền, vận động và các thôn cũng đưa vào hương ước, quy ước của thôn thì việc này đã giảm hẳn. Bởi người dân đã nhận thức được việc để con mình TH&HNCHT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, kinh tế và tương lai của các con sau này.

Công tác tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT được đội ngũ truyền thông ở cơ sở thực hiện thường xuyên
Công tác tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT được đội ngũ truyền thông ở cơ sở thực hiện thường xuyên

Ông Phan Ngọc Định - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Các lực lượng y tế xã, phường, cộng tác viên y tế cơ sở và đội ngũ truyền thông ở cơ sở đã tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, lồng ghép giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT. Đặc biệt, huy động hệ thống chính trị cùng với các bậc cha mẹ có con em trong độ tuổi vị thành niên, thành niên tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để phấn đấu không còn tình trạng TH&HNCHT, góp phần bảo vệ sức khỏe giống nòi, đồng thời giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Với những đóng góp quan trọng, đội ngũ đội ngũ làm công tác truyền thông ở cơ sở đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS. Tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ các cặp tảo hôn so với tổng số cặp kết hôn chiếm 3,2% giảm 10,07% so với năm 2021; giảm số cặp kết hôn hôn nhận cận huyết thống từ 5 cặp năm 2021 đến nay không có trường hợp nào. Theo đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao tích cực hưởng ứng nhiệt tình các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.