Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng

Như Ý - 16:55, 31/08/2023

Nuôi ghép cá chạch đồng và cua đồng trong ruộng lúa là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều người dân quan tâm do vốn đầu tư ít, dễ nuôi, vật nuôi hầu như không bị bệnh, thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Để nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng hiệu quả mời bà con tham khảo kỹ thuật nuôi trong bài viết sau đây.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng

Chọn giống

Khi chọn cua giống và cá giống cần chọn kích cỡ giống đồng đều để tránh tình trạng chúng ăn thịt lẫn nhau. Do nguồn giống chủ yếu từ tự nhiên nên bà con tuyệt đối tránh mua những con giống bị đánh điện hoặc xây xác, gãy càng. Cụ thể vhonj giống từng loại như sau:

Chạch đồng: Chọn những con khỏe mạnh, cỡ đồng đều 150-200 con/kg, sáng bóng, không mất nhớt, bơi lội hoạt bát, không bị trầy xước. Không nên mua ở chợ nếu không để ý dễ mua nhầm phải chạch đã bị kích điện, xương sống tổn thương, chạch vẹo mình, khi nuôi không lớn và làm giảm hiệu quả kinh tế.

Cua đồng: Chọn con khỏe mạnh, cỡ đồng đều 150-160 con/kg, không gãy càng, còng, mai sáng bóng, không bị đóng rong.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng 1

Chuẩn bị ruộng nuôi

Bờ ruộng cần chắc chắn, bằng phẳng, giữ nước tốt, cấp thoát nước thuận lợi và xung quanh ruộng nuôi cần được che chắn bằng nilon hoặc lưới cước chôn sâu xuống khoảng 30 - 40cm và cao lên 40 - 50cm tính từ mặt bờ ruộng, bốn góc lượn hình cung để phòng tránh cua và cá chạch đi ra ngoài khi trời mưa làm ngập bờ.

Diện tích ruộng nuôi: 3.000 – 5.000m2. Đào mương bao quanh và mương giữa. Mương bao quanh chân bờ sâu 0,8-1,0m, rộng 3-5m. Nếu ruộng rộng, đào thêm ở giữa ruộng hình chữ thập hoặc hình song song rộng 1-1,5m, sâu 0,5-0,8m. Tổng diện tích cả 3 loại mương chiếm khoảng 15-20% diện tích đất ruộng.

Mục đích của việc đào mương trũng trong ruộng là để tạo nơi trú ẩn cho chạch đồng và cua đồng khi thời tiết nắng nóng, lạnh hoặc thay đổi bất thường của môi trường.

Nếu có điều kiện thì làm thêm bờ phụ cho chạch và cua đào hang trú ẩn, bờ phụ rộng khoảng 1m, cao hơn mặt nước lúc cao nhất từ 30-40 cm, trên bờ rắc hạt điền thanh để cua và chạch tránh nắng, rét khi nhiệt độ bên ngoài môi trường thay đổi. Vì vậy bờ phụ càng rộng và chắc chắn thì sau này khi điền thanh tốt, bộ rễ phát triển,gió không làm bờ bị lật đổ, đồng thời chạch đồng và cua đồng cũng ít làm ảnh hưởng đến bờ chính xung quanh ruộng nuôi. Tùy theo hình dáng và kích thước ruộng nuôi mà có thể làm bờ phụ dạng hình chữ thập hoặc hình song song.

Bờ ruộng phải được làm cao và to. Chú ý nện đất chặt để tránh nước bị rò rỉ. Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng đăng tre hoặc lưới cước thích hợp, nền cống phải đầm chặt.

Trồng các loại thực vật như bèo, rau muống, lục bình,… khoảng 1/3 diện tích mặt nước để cua và cá chạch trú ẩn khi trời nóng hoặc lạnh. Mặt ruộng cần hơi dốc để thuận tiện cho việc thoát nước và thu hoạch.

Trước khi nuôi 1-2 tuần, tiến hành tát cạn nước để diệt hết địch hại của chạch, cua và tiêu diệt mầm bệnh bằng cách bón vôi 7-10 kg/100 m2, phơi nắng 3-5 ngày. Sau đó cấp nước vào nhưng không cho nước tràn lên ruộng, chỉ khi nào đến thời kỳ lúa sắp làm đòng mới cấp nước vào ruộng cho cua lên ruộng tìm thức ăn.

Tiến hành gây màu nước bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng 2

Kỹ thuật nuôi

Mùa vụ thả thích hợp là tháng 3-4 hàng năm. Thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ thả ghép chạch đồng và cua đồng: 20 con/m2 là phù hợp, trong đó: Chạch đồng: 16 con/m2, cua đồng: 4 con/m2.

Chỉ cần thả giống 1 lần, các vụ sau không cần thả thêm vì chạch đồng và cua đồng sẽ tự sinh sản trong ruộng nuôi.

Chạch đồng và cua đồng là loài có sức chống chịu với điều kiện môi trường rất tốt, hầu như không bị bệnh.

Thức ăn tự nhiên rất sẵn như: ốc bươu vàng chúng ta có thể tận dụng nguồn thức ăn này rất tốt bởi hàm lượng đạm trong ốc bươu vàng khá cao. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn: tôm, tép, cá tạp xay, bột cá, cám gạo, cám ngô, lúa chét, bột sắn…

Bà con cũng có thể tự chế biến thức ăn dạng viên hỗn hợp gồm: lúa xay, bột cá, ốc bươu vàng. Sau đó cho vào máy ép thành viên phơi sấy để cho chạch đồng và cua đồng ăn dần.

Sau thả giống 1-2 ngày tiến hành cho ăn. Lúc đầu cho ăn rải đều khắp ruộng, sau đó thu hẹp dần diện tích cho ăn, cuối cùng cho ăn ở 1 vài điểm cố định trong ruộng để chạch đồng và cua đồng ăn quen, thuận lợi cho quá trình thu hoạch sau này.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng 3

Thức ăn đạm và thức ăn tinh cho ăn kết hợp với nhau, 2 ngày cho ăn một lần vào thời gian cố định chiều tối. Lượng thức ăn bằng khoảng 5% trọng lượng cơ thể cua, chạch.

Ngoài ra có thể bón thêm phân hữu cơ với lượng từ 25-30 kg/100 m2 ruộng/tháng để động vật phù du trong ruộng nuôi phát triển làm thức ăn cho chạch và cua.

Ở những nơi cho ăn nên đặt các sàng ăn bằng lưới mắt thật nhỏ ở dưới đáy ruộng nuôi, diện tích sàng ăn khoảng 1,0-1,5 m2 sau đó bỏ thức ăn vào sàng. Sáng hôm sau kiểm tra lượng thức ăn dư thừa để có kế hoạch điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Vì chạch đồng và cua đồng là loài hoạt động chủ yếu về đêm nên cho ăn vào chiều tối, cho ăn vào vị trí khu vực đánh bắt.

Do cua, chạch đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Mực nước trong ruộng nuôi nên duy trì từ 0,1– 0,2 m, tại mương nuôi từ 0,6-0,8 m. Một tuần đến nửa tháng nên tháo cạn và phơi ruộng cho se mặt khoảng 2 – 3 ngày, sau đó mới cấp nước mới vào. Mục đích giúp cua lột vỏ và phòng bệnh cho chạch không bị các mầm bệnh tấn công.

Định kỳ 10 - 15 ngày dùng vôi với liều lượng 10 – 20 kg/ 1000m2 hòa với nước ao để xử lý sát trùng nước, ổn định pH ao nuôi và ngăn ngừa các loại bệnh ký sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe cua,chạch.

Vào đầu mùa mưa hoặc những ngày mưa bão liên tục dùng vôi với liều lượng 10 – 20 kg/ 1000m2 rải đều khắp bờ ao. Thường xuyên kiểm tra hệ thống ao nuôi như kiểm tra cống thoát nước, lưới rào quanh bờ... đặc biệt là vào những tháng mưa gió và bão lũ kết hợp với việc vệ sinh bờ ao.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng 4

Thu hoạch

Sau 5 - 6 tháng nuôi, khi cá chạch đạt 50 - 55 con/kg, cua đạt 45 - 50 con/kg có thể tiến hành thu hoạch. Nếu thu tỉa, đặt rọ có chứa mồi ở vị trí cho ăn vào thời điểm chiều tối hôm trước. Sáng hôm sau vớt rọ thu những con đạt, những con nhỏ thả xuống tiếp tục nuôi.

Nếu thu toàn bộ cá chạch đồng, trước khi thu hoạch ngừng cho ăn 1 - 2 ngày, rút nước từ từ để chạch đồng bơi theo dòng nước, ở chỗ cống thoát nước đặt lưới hoặc rọ để thu hoạch. Khi thu hoạch cần chọn những con to khỏe hoặc đang mang trứng nuôi tiếp để cho chúng sinh sản lấy giống cho vụ nuôi tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.