Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ký ức mùa Xuân nơi “Cổng trời”

Bá Nha - 08:00, 12/02/2021

Chuyến thực tập vùng Tây Nguyên đã hoàn thành khi mùa Xuân đang về, tôi rời phố núi Pleiku, tìm về ký ức tuổi thơ đã cất dấu hơn hai mươi năm. Đèo Mang Yang - nơi được mệnh danh là “Cổng trời” theo ngữ nghĩa người Gia Rai cũng như các “phượt thủ”…

Đèo Mang Yang còn có tên gọi khác là Cổng trời
Đèo Mang Yang còn có tên gọi khác là Cổng trời

Trong ký ức tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi chăn bò, hái măng, gánh củi, bẻ đót. Những triền đồi cỏ thoai thoải, xanh mướt và nhấp nhô gợn sóng bởi gió ngàn. Len trong hoa, cỏ và đá, sỏi là những cội rễ cây khô nhô lên. Qua không biết bao nhiêu mùa bằng lăng tím nở, những cội khô nằm trơ trọi dưới tác động của mưa, nắng. Gió làm cỏ va chạm, mài mòn, cọ giũa thành những tác phẩm nghệ thuật gỗ lũa độc đáo giữa thảo nguyên xanh mà không hề có bàn tay nào của con người tạc tạo.

Tuổi thơ của chúng tôi những thập niên tám mươi không Game chat như bây giờ, quà bánh cũng không nhiều. Những buổi chăn bò trên đồi cao, chúng tôi hái quả rừng chín mọng ăn chơi như chà là, dâu đất, táo rừng, cò ke,… và chơi trò đánh dụ quay, trốn tìm, đá gà bằng cỏ…

Giữa không gian xanh bao la như bất tận, chẳng thấy chân trời, những làn mây như muốn sà xuống đỉnh đèo. Tôi đi trong màn mây mù đặc bồng bềnh giăng lối tựa hồ như đang lạc chốn thiên cung. Từ lòng đất mẹ, hơi nước sau những trận mưa mà người địa phương quen gọi là khói đá. Chiều Xuân, những đàn én liệng nhào, những con ong cần mẫn tìm mật, tôi hồn nhiên giữa thảo nguyên xanh.

Tôi bâng khuâng đưa tay hứng những hạt mưa Xuân buôn buốt miền thực tại. Tôi nép mình bên những tảng đá sừng sững mà ngày xưa “lũ chăn bò” chúng tôi trèo lên hóng gió, dõi mắt tìm bò lạc. Những tảng đá, người ta bảo đó là đá sống. Nó có thể lớn và thay đổi hình dạng vẹn nguyên hoặc nứt đôi. Sau hai mươi năm trở lại, “Cụ Đá” đã cao lớn như mái nhà.

Cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên
Cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên

Lần giở nhật ký và quay ngược dòng quá khứ, từ tuổi lên mười đến tuổi mười lăm tôi gắn bó với rừng, với những con suối. Hồi ấy, lũ trẻ trong làng “phong” cho tôi là “Nguyên soái” của “tổng đoàn quân” là đàn bò của cả làng. Ngoài giờ học hay cuối tuần, tôi giúp ba mẹ lùa đàn bò của nhà mình với hai mươi chín con lên núi Ông Ri thả rông. Đây là dải núi liên hoàn với Đèo Mang Yang cách xa dân có đến gần 10km nên chỉ có rừng và đồng cỏ tranh, cỏ lông chồn, cỏ tự nhiên… Tôi vốn là đứa trẻ chịu khó và chăm chỉ nên được các bác lão nông và lũ trẻ lùa đàn, nhập đàn tháp tùng, thành ra tổng đàn bò lên đến cả trăm con.

Vào những ngày giáp Tết, tôi trông hộ đàn bò để cho các bác trong làng về đi tảo mộ, đi tất niên, lau chùi đèn đồng, đi lặt lá mai, đi sắm mâm cỗ… Tôi đảm nhận công việc điều hướng cho đàn bò gặm cỏ ở thung lũng bằng những hiệu lệnh quen thuộc như: “Dí” (đánh qua trái), “thá” (đánh qua phải) hoặc “đi”, “thẳng”, “nhanh”, “dốc”... Bọn chúng nghe được tiếng tôi la, hét hay vểnh vểnh tai, chạy cong đuôi. Và khi cả đàn ăn yên ả, tôi vuốt ve mỗm, tráng còn phập phồng hoa trinh nữ của những chú bê non nghịch ngợm.

Một lễ hội của đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên
Một lễ hội của đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên

Tôi nhớ những buổi chiều tà, tôi “ọ” và “bê, bê” chúng lại để báo hiệu tụ đàn lại. Dứt tín hiệu, tôi leo lên tảng đá đếm một lượt rồi xuống núi. Vậy đó, hồi ấy rừng còn nhiều, đất đồi mênh mông, những thảm cỏ bao la như dải lụa siêu to khổng lồ dù cả hàng trăm con bò của cả xã H’Ra cũng không gặm hết.

Tết nào cũng vậy, làng tôi lại lùa đàn bò lên đèo thả rông, cho chúng ăn Tết ở “Cổng trời”. Chúng khôn lắm, tranh thủ gặm lúc nắng hanh và tìm vách đá, tán cây trú ẩn khi có những cơn mưa nặng hạt. Có những năm, những con bò mẹ sinh con trên đồi cỏ. Tháng Giêng, chúng tôi lên thăm đàn đã thấy những chú bê non mũm mĩm nô đùa, mớm sữa trong nắng Xuân mai. Sức sống ở “Cổng trời” những mùa Xuân xưa là vậy.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng đổi thay ở Lập Thắng

Khát vọng đổi thay ở Lập Thắng

Ánh nắng đầu ngày vừa ló rạng, từng đợt mây hồng đang kết chặt trên đỉnh đồi Hích như chầm chậm tản ra, rồi như sà xuống con ngõ nhỏ dẫn vào Lập Thắng. Và khi những thanh âm rộn ràng của cồng chiêng đã vang vọng bên tai, những sắc phục thổ cẩm rực rỡ của các mẹ, các chị đã hiện đầy trong mắt lữ khách, thì thử hỏi có ai mà không rạo rực...