Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Cuộc sống mới của đồng bào Mông nơi cổng trời Ea Rớt

Đức Trí - 11:00, 01/11/2023

Từng là thôn không đường, không điện, không trường, không nước sạch, không sổ hộ khẩu, … sống biệt lập giữa đồi núi, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn, nay thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk khoác lên mình áo mới. Nhà nước đầu tư xây dựng đường, trường học, hỗ trợ sinh kế và các công trình an sinh xã hội, cuộc sống của bà con đồng bào Mông nơi đây đang từng ngày đổi mới.

Đường vào thôn Ea Rớt đang trong giai đoạn thi công
Đường vào thôn Ea Rớt đang trong giai đoạn thi công

Đường lớn đã mở

Con đường lớn dẫn vào Ea Rớt đã được san ủi bằng phẳng, rộng thênh thang, dù chưa hoàn thiện nhưng việc di chuyển đã thuận lợi hơn nhiều so với trước. Chia sẻ với chúng tôi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm vui mừng bảo: Nhà nước đầu tư làm đường, giao thông thuận lợi sẽ mở ra những cơ hội mới, kinh tế xã hội sẽ phát triển, người dân Ea Rớt sẽ bớt khổ, cuộc sống sẽ đi lên”.

Thôn Ea Rớt nằm tách biệt ở vị trí rất cao, giữa những quả đồi, cách trung tâm xã chừng 20km và được gọi là “cổng trời”. Địa danh này được biết đến với nhiều cái không nhất huyện: không đường, không điện, không trường, không nước sạch, không hộ khẩu, không sổ đỏ… và đến thôn chỉ có một con đường duy nhất toàn dốc lên.

Trước đây, bà con chủ yếu trồng cây mì (sắn), ngô và lúa đồi phụ thuộc vào nước trời nên năng suất rất thấp. Giao thông khó khăn, thương lái ép giá nên đời sống của người dân vô cùng cực khổ.

Nhiều năm tăng cường làm Bí thư Chi bộ thôn Ea Rớt, anh Y Bây Niê ám ảnh với con đường từ trung tâm xã vào thôn. Anh Y Bây chia sẻ: Đây là con đường huyết mạch vào thôn, lúc trước đường xấu lắm lại nhiều dốc đứng rất khó đi. Mùa khô bột đất ngập nửa bánh xe bụi mù mịt, còn mùa mưa ổ voi, ổ gà trở thành ao, bụi đất thành sình lầy quánh dính, có chỗ nước trên núi đổ xuống thành dòng suối nhỏ chảy ngang đường. Muốn chạy xe phải buộc xích vào lốp để hạn chế độ trơn trượt, đôi lúc phải khiêng xe. “Có lần vào buôn họp chi bộ, triển khai một số việc, tôi phải gửi xe đi bộ vào thôn, mất 4 tiếng đồng hồ mới tới. Bây giờ, nhà nước đầu tư làm đường lớn nối Ea Rớt gần hơn với trung tâm xã, mở ra tương lai tươi sáng cho người dân. Giao thông thuận lợi, việc đi lại, giao thương, buôn bán dễ dàng hơn, đời sống của bà con cũng sẽ dần cải thiện”.

Năm học 2023-2024 học sinh thôn Ea Rớt học trong ngôi trường mới khang trang
Năm học 2023-2024 học sinh thôn Ea Rớt học trong ngôi trường mới khang trang

Không chỉ làm đường, thôn Ea Rớt còn được đầu tư xây dựng cầu Ea Rớt, nhà sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là điểm trường tiểu học và mầm non khang trang.

Ngôi trường mới được xây dựng trên khuôn đất rộng hơn thay thế cho những phòng học tạm bợ, chật chội đã tồn tại hàng chục năm. Ngôi trường nằm trên khuôn viên 1ha gồm tòa nhà 2 tầng với 8 phòng học, 3 phòng chức năng, công trình vệ sinh, nhà công vụ đảm bảo cơ sở vật chất trường học cho học sinh ở Ea Rớt.

Thầy Nguyễn Hồng Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 chia sẻ: Điểm trường thôn Ea Rớt có gần 200 em học sinh. Trước đây, điểm trường là những phòng học, bàn ghế tạm bợ, nhưng phụ huynh rất quan tâm, học sinh ham học nên tỉ lệ học sinh đến lớp luôn đạt trên 95%, không có học sinh bỏ học. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình giáo dục mới, nhà trường phải tổ chức dạy học trong phòng ở của giáo viên khiến công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm học này điểm trường đã được xây dựng khang trang, kiên cố, đảm bảo cho việc dạy và học ngày 2 buổi.

Ea Rớt chuyển mình

Không chỉ được làm đường, Ea Rớt được đầu tư xây dựng những cây cầu khang trang
Không chỉ được làm đường, Ea Rớt được đầu tư xây dựng những cây cầu kiên cố

Thôn Ea Rớt có khoảng 180 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Những năm qua, thôn Ea Rớt cũng được nhiều nguồn hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình dân sinh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không ít dự án của các nhóm từ thiện đã hỗ trợ công trình phúc lợi xã hội như hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 6,24 kwp cung cấp điện thắp sáng cho gần 30 hộ dân; hệ thống lọc nước tinh khiết RO cung cấp 1.000 lít/ngày; các giếng khoan, giếng đào tập trung…

Không chỉ đổi thay về cơ sở hạ tầng, nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng có những chuyển biến tích cực. Người dân mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu như trước đây người dân chỉ trồng ngô, mì, lúa đồi thì bây giờ nhiều gia đình tận dụng diện tích đất thấp cải tạo trồng lúa nước 2 vụ; diện tích đất bằng phẳng thì đầu tư trồng cà phê xen canh cây ăn quả; đất đồi dốc chuyển sang trồng keo lai.

Theo số liệu thống kê, hiện thôn Ea Rớt có gần 300ha keo lai; 34,9ha cà phê, hơn 20 ha lúa nước 2 vụ;… Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định, xây được nhà ở kiên cố, mua sắm được xe máy, xe công nông, máy móc phục vụ sản xuất.

Điển hình như gia đình anh Lò Seo Cao ở đội 3. Năm 2023, gia đình anh Cao vừa xuống giống 70 nghìn cây keo ghép trên địa tích khoảng 10ha. Anh Cao cho biết: Mấy năm trước, gia đình anh đã trồng thử nghiệm cây keo và nhận thấy đất ở đây phù hợp, cây phát triển rất tốt. Vừa qua, gia đình anh thu hoạch diện tích 2ha keo, lợi nhuận 170 triệu đồng.

Không những phát triển sản xuất, người dân thôn Ea Rớt còn khai thác hiệu quả các nguồn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Từ ngân hàng bò của nhóm từ thiện trao tặng và bò giống từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, các dự án hỗ trợ, đến nay thôn Ea Rớt có hơn 200 con bò.

Ông Giàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt chia sẻ: Năm 2022, thôn Ea Rớt có 17 hộ thoát nghèo, là thôn có tỉ lệ hộ nghèo giảm nhiều nhất xã. Mặc dù vậy, hiện nay số hộ nghèo của thôn vẫn còn cao, thôn vẫn còn khó khăn về nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chưa có điện lưới. “Bây giờ, bà con Ea Rớt chỉ mong được đầu tư kéo điện lưới để khoan giếng, sử dụng các thiết bị điện và được cấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế”.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.