Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Lâm Đồng: Dán tem cho sầu riêng Đạ Huoai

T.Minh (t/h) - 19:48, 15/07/2021

Để tạo thương hiệu vùng cho sầu riêng, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đang triển khai quy trình truy xuất nguồn gốc nông sản. Từ đó, giúp sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đáp ứng với yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe để tiếp cận với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm sầu riêng của ông Nguyễn Văn Châu được trồng theo quy chuẩn VietGAP và có dán tem truy xuất nguồn gốc giúp tiêu thụ ổn định hơn
Sản phẩm sầu riêng của ông Nguyễn Văn Châu được trồng theo quy chuẩn VietGAP và có dán tem truy xuất nguồn gốc giúp tiêu thụ ổn định hơn

Ông Nguyễn Văn Châu, thôn Phước Trung là một trong những chủ hộ ở xã Phước Lộc tiên phong đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sầu riêng với diện tích trồng hơn 3 ha. Ông Châu cho hay: Khi biết thông tin về việc chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sầu riêng, ông rất mừng bởi đây là xu thế chung của xã hội. Khi tham gia dán tem truy xuất, toàn bộ diện tích của gia đình đều sản xuất ứng dụng theo hướng công nghệ cao. Qua đó, ông đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến từ khâu chọn giống đến đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Khi sầu riêng Đạ Huoai có thương hiệu sẽ đủ điều kiện để xuất khẩu theo đường chính ngạch. Tôi hy vọng sản phẩm của mình sẽ được thị trường đón nhận và xa hơn là được xuất khẩu, để không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn là giá trị trái sầu riêng được khẳng định trên thị trường quốc tế”, ông Châu cho biết.

Tương tự, anh Đoàn Ngọc Quang (thôn 1, xã Hà Lâm) phấn khởi cho biết, chúng tôi rất quan tâm đến việc sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường nội địa. Với chủ trương hỗ trợ thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc của huyện, nông dân mạnh dạn đăng ký để bảo đảm sản phẩm sầu riêng sạch của mình có thể xuất bán ở những thị trường khó tính như hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch…; giá cả có thể cao và ổn định hơn so với việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái rất bấp bênh và dễ bị ép giá.

Anh Quang cho biết, khi sản phẩm xuất ra thị trường, đơn vị thu mua, người tiêu dùng… dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của từng quả sầu riêng bằng chiếc điện thoại thông minh có cài phần mềm soi mã vạch. Xác định gắn bó lâu dài với cây sầu riêng, từ tháng 6/2019, anh Quang đã tham gia lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với mong muốn tạo ra sản phẩm đúng tiêu chí sạch, ngon, chất lượng.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, tính đến hết năm 2020, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện trên 3.743 ha, trong đó trên 3.026 ha (chiếm 81,54%) là sầu riêng ghép chất lượng cao, diện tích thu hoạch 2.062 ha, năng suất bình quân đạt 11,97 tấn/ha, với sản lượng cung cấp ra thị trường trên 24.664 tấn. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha sầu riêng năm 2019 đạt 407 triệu đồng/ha.

Đến nay, sau 3 năm triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu, huyện Đạ Huoai đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đối với 397 hộ nông dân của các hợp tác xã và tổ hợp tác với diện tích 507,7 ha trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở các xã: Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Đạ Tồn, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri.

Ông Dương Văn Thành, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đạ Huoai cho biết, trong năm 2019, huyện đã hoàn thiện Đề án truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai. Qua đó, đã cung cấp cho các tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” khoảng 870.200 tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Riêng năm 2020, đã cấp 48.200 tem dán trái cho 74 hộ thuộc 7 tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2021, đã cấp khoảng 79.635 tem cho người dân các xã Đạ P’Loa, Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri.

Mặc dù, số lượng tem ban đầu sử dụng còn ít, nhưng bước đầu sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử được các đơn vị bán lẻ trong nước phản hồi tích cực: Sản phẩm dán tem truy xuất có chất lượng tốt, người tiêu dùng sẵn sàng mua với giá cao hơn thị trường 10 - 20%, số lượng hàng bán được nhiều hơn so với sản phẩm không dán tem.

Để nâng cao năng suất, chất lượng bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đạ Huoai đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh hỗ trợ quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP, GlobalGAP. Và xa hơn, sẽ là sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn thông qua việc sản xuất sầu riêng công nghệ cao, xây dựng vùng trồng, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc để bảo đảm sầu riêng đạt chuẩn để xuất khẩu theo con đường chính ngạch.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.