Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Làm gì để hút khách quốc tế?

PV - 17:45, 08/07/2022

Sau khi mở cửa trở lại vào ngày 15.3, ngành Du lịch đã phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng, ngành Du lịch đã hoàn thành chỉ tiêu của cả năm 2022 về tăng trưởng khách nội địa.

Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút khách quốc tế
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút khách quốc tế

Tuy nhiên, những khó khăn từ đại dịch Covid-19 đã khiến cho lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều.

Tăng trưởng khách nội địa vượt chỉ tiêu

Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất. Tăng trưởng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022. Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách. Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 265.000 tỉ đồng. Về hoạt động của các doanh nghiệp, tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021.

Về hoạt động du lịch tại các địa phương và doanh nghiệp, theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2022 của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: Hà Nội ước đón 8.610.000 lượt khách, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 tỉ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. TP.HCM ước đón 477.982 lượt khách quốc tế (tăng 100%), khách nội địa đạt 11.089.304 lượt khách (tăng 43,1%), tổng thu từ khách du lịch đạt 49.681 tỉ đồng (tăng 29,9%)…

Tuy nhiên theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều so với mục tiêu ngành Du lịch đặt ra cho năm 2022 với 5 triệu lượt khách quốc tế (mới đạt 8,2% so với mục tiêu). Trong bối cảnh đó, Du lịch Việt Nam sẽ phải làm gì để thu hút khách du lịch quốc tế, đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022?

Du khách còn e ngại

Theo bà Trần Thị Phương Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, hiện vẫn còn nhiều thách thức cho việc phục hồi du lịch thế giới. Trước hết là việc khách du lịch lo lắng sẽ nhiễm Covid-19 trong chuyến du lịch và mắc kẹt tại nước ngoài. Các rủi ro về cách ly, ảnh hưởng sức khoẻ, chi phí cao… khiến du khách còn e ngại đi du lịch quốc tế. Vì thế Việt Nam cần có những chỉ dẫn cụ thể cho du khách về các bước thực hiện khi phát hiện mắc Covid-19; các đầu số hotline hỗ trợ du khách.

Một số quốc gia là thị trường nguồn khách lớn như Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, hay Hàn Quốc, Nhật Bản còn áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, test Covid-19 phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phục hồi du lịch quốc tế. Vì thế trước mắt, Việt Nam cần tích cực quảng bá thông tin Việt Nam đã mở cửa thông qua hình thức trực tuyến/trực tiếp và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón lượng lớn khách từ 3 nước Đông Bắc Á khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và khách Hàn Quốc, Nhật Bản sẵn sàng đi du lịch.

Bên cạnh đó, sự không đồng nhất về thủ tục nhập cảnh, yêu cầu y tế giữa các quốc gia cũng khiến khách du lịch lo ngại và hạn chế việc kết nối các điểm đến, kéo dài chuyến đi. Vì thế chúng ta cần tăng cường cập nhật về các quy định nhập cảnh cởi mở của Việt Nam với các nước trong khu vực là điểm đến kết nối truyền thông của ta như Thái Lan, Campuchia, Lào... Đồng thời hỗ trợ có hướng dẫn trong trường hợp du khách muốn test Covid-19 để kết nối tới một điểm đến khác sau khi rời Việt Nam.

Bà Nhung cũng đề cập đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch sau hai năm đại dịch hay ảnh hưởng của kinh tế - chính trị thế giới sẽ tạo ra một số thách thức đòi hỏi du lịch Việt Nam phải tiếp tục theo dõi để xem xét đưa ra các ứng phó phù hợp như các gói du lịch ưu đãi, khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ cho phép khách linh hoạt điều chỉnh dịch vụ đã đặt, ứng dụng công nghệ xanh để giảm chi phí vận hành của chuỗi cung ứng du lịch...

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Về một số bất cập, hạn chế khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương phân tích, các chính sách về thị thực tuy đã được khôi phục như thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng thời gian và thủ tục xét duyệt visa cần đáp ứng nhu cầu nhanh, đơn giản của du khách giai đoạn hậu Covid-19. Thị trường và thời hạn miễn visa còn hạn chế chưa thực sự cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực. Doanh nghiệp du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, thiếu nhân lực, thiếu nguồn lực tài chính, cần có thời gian, cần tiếp tục được hỗ trợ để hồi phục. Hàng không tuy đã khôi phục nhưng giá vé máy bay cao, chuyến bay ít. Tình trạng quá tải sân bay, bến cảng, các khu điểm du lịch đã diễn ra khi lượng khách tập trung quá mức tại một thời điểm.

Ông Phương cũng đề ra các giải pháp. Trước hết sẽ là kéo dài miễn thị thực cho thị trường châu Âu, miễn visa cho các nước: Australia, NewZealand, Canada, tạo thuận lợi lấy visa Mỹ, Bắc Mỹ. Tạo điều kiện thuận lợi xin nhập cảnh cho người lao động nước ngoài, chuyên gia và khách nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, cần tăng cường khai thác thêm các đường bay mới, khôi phục đường bay đã có, tăng tần suất chuyến bay tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường không. Giảm giá vé các phương tiện di chuyển đường bộ, đường sắt, đặc biệt là hàng không trong nước và quốc tế (các chính sách giảm thuế phí, phí cất/ hạ cánh, phí neo đậu, sân bãi…). Tăng cường những chương trình hợp tác với nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực quản lý du lịch để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng vì hiện tại sau thời gian dịch bệnh, nhiều nhân sự đã không còn làm trong ngành Du lịch… 

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Cà Mau: Sôi nổi Ngày hội đua vỏ lãi trên cửa biển Sông Đốc

Ngày 21/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm sự kiện chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Ngày hội thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi.