Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Làm gì để phát triển ngành công nghiệp văn hoá?

Hồng Phúc - 09:56, 15/08/2020

“À ố show”, “Ký ức Hội An”, … là những chương trình nghệ thuật của Việt Nam, trở thành hiện tượng của toàn cầu khi được lưu diễn ở nhiều quốc gia lớn, mang về lợi nhuận “đáng nể”. Nhưng trên con đường xây dựng ngành công nghiệp văn hoá, chúng ta vẫn đang thiếu vắng những chương trình đặc sắc như thế.

Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc chính là đòn bẩy cho phát triển ngành công nghiệp văn hoá
Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc chính là đòn bẩy cho phát triển ngành công nghiệp văn hoá

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, với thành tố then chốt là vốn văn hóa vững chắc và tinh thần doanh nghiệp, ngành công nghiệp văn hóa chính là công cụ hữu hiệu cho quá trình tăng trưởng và đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp xây dựng nền kinh tế sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 như ngày nay.

Công nghiệp văn hóa mang tới hai giá trị: Kinh tế và tinh thần. Hai giá trị này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Văn hóa là điều kiện, cơ sở để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế tạo ra tiềm lực vật chất để phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội là mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong quan niệm của hầu hết chúng ta, các hoạt động văn hoá chỉ mang tính chất giới thiệu, giải trí chứ chưa thực sự được đặt làm mục đích kinh tế. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ta đã chậm bước trong con đường đưa văn hoá trở thành một ngành công nghiệp phát triển; dù rằng chúng ta sở hữu một kho báu văn hoá truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc anh em. 

Vậy nên, những chương trình nghệ thuật như “À ố show” được đánh giá như đại diện văn hoá quốc gia khi lưu diễn ở hơn 200 nước; hay vở thực cảnh “Ký ức Hội An” được những tờ báo hàng đầu thế giới ca ngợi, luôn kín khán đài, với giá vé từ 600 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng lại không có nhiều. 

Thực tế chứng minh rằng, ý tưởng phát triển ngành công nghiệp văn hoá không thiếu, chỉ là đang thiếu tầm nhìn và nhà đầu tư phù hợp. Trong bối cảnh kinh doanh sản phẩm văn hóa du lịch, 4 nhóm nhân tố tạo nên thành công gồm: Nghệ sĩ, người đầu tư sản xuất, nhóm thực thi chính sách, nhóm người thụ hưởng và chi trả. Tuy nhiên, quan hệ giữa 4 nhóm này vẫn còn lỏng lẻo. 

Ngoài ra, các tổ chức văn hóa còn thiếu kỹ năng, năng lực, động lực hay cơ sở pháp lý phù hợp để thu hút các loại hình đầu tư mới hoặc để kinh doanh. Ngoài ra, các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa chưa được vận hành; thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển. Đây là những rào cản cần sớm tháo gỡ để khai thác “mỏ vàng” ngành công nghiệp văn hóa.