Đến nay, đã có không ít nghệ sĩ, biên đạo múa trên địa bàn Tây Nguyên thành danh với nhiều tác phẩm nghệ thuật nhờ khai thác các điệu múa dân gian ở đây. Tiêu biểu như người Jrai, Bana, Sê Đăng, Êđê có điệu múa Kông Kor, múa theo tiếng chiêng Aráp, theo điệu hát Ayrây, theo nhịp trống H’gơr, hay phỏng theo tư thế bay lượn tuyệt đẹp của con chim Grưh... Khi lễ hội được mở ra, hoặc trong nghi thức thực hành văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc thì những điệu múa ấy được gái trai, già trẻ thực hiện.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêo (Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk), họ gọi đó là xoang và cùng nhau xoang thâu đêm, suốt sáng trên nền nhạc của chiêng, của trống và nhiều loại nhạc cụ tre nứa mộc mạc, gần gũi khác. Từ chất liệu dân gian đặc trưng này, trong những thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên của vùng đất Tây Nguyên là cụ Y Brơm (người Bana) đã kế thừa và sáng tạo nên những tác phẩm múa hiện đại, tiêu biểu như “Múa trống Tây Nguyên”, “Múa khiên”, “Múa giã gạo đêm trăng”… được công chúng yêu nghệ thuật trong nước và bạn bè quốc tế đón nhận, ái mộ.
Những tác phẩm này của ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2002. Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêo cho biết lúc sinh thời, cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm gần như “nhập tâm” vũ điệu dân gian Kông Kor của người Bana, Jrai - và trong quá trình sáng tác của mình, ông lấy đó làm cảm hứng chủ đạo để dàn dựng hơn 20 tác phẩm nghệ thuật múa hiện đại nhưng thấm đẫm tinh thần và bản sắc văn hóa dân gian Tây Nguyên.
Tiếp nối cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, hiện có nhiều biên đạo múa đi theo đường hướng này. Ở Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đang nổi lên một số gương mặt tiêu biểu: H’Diễm Mlô, Y Del Buôn Krông, Đoàn Ngọc Trang và đặc biệt là Lê Loan gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật múa xuất sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao qua các kỳ Hội diễn toàn quốc gần đây như “Giai điệu của chiêng”, “Lễ trưởng thành” và “Vòng đời”. Nữ biên đạo múa Lê Loan chia sẻ: Những tác phẩm ấy được chị dày công nghiên cứu, tìm hiểu và cách điệu từ chất liệu dân gian của người Êđê, M’nông, Jrai.
Trại sáng tác âm nhạc và múa Tây Nguyên - 2020 thu hút hơn 80 nghệ sĩ trong cả nước tham gia hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sáng tác và biên đạo múa đương đại; đồng thời đi thực tế tại một số huyện: Lắk, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Ana nhằm tìm hiểu vốn dân ca, dân vũ của người dân tộc thiểu số tại chỗ, phục vụ hoạt động sáng tác cho hai chuyên ngành âm nhạc và múa.
Từ nhịp xoang bình dị của các tộc người thiểu số nói trên được thể hiện trong những dịp hội hè, hay nghi thức thực hành văn hóa (làm lễ trưởng thành, cúng nhà mồ, đón hồn chiêng), được nữ biên đạo múa Lê Loan quan sát tỉ mỉ, sau đó tìm cách phát triển “ngôn ngữ” múa giàu tính dân gian ấy trở thành những mảng, miếng nghệ thuật của hình thể và động tác có chủ đích (chủ đề) hơn trong mọi không gian đời sống đương đại nhằm phục vụ đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêo tự hào rằng, bất kỳ ai đến Tây Nguyên đều mê đắm với nhịp xoang của người dân tộc thiểu số ở đây. Vốn văn hóa giàu bản sắc và độc đáo của họ, trong đó có múa dân gian là nguồn cảm hứng bất tận để giới nghệ sĩ, biên đạo múa tìm hiểu, khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hiện đại nhưng không xa rời truyền thống.
Và cũng vì thế mà mới đây, từ ngày 20 đến ngày 25-7, Cục Biểu diễn nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk tổ chức Trại sáng tác âm nhạc và múa Tây Nguyên - 2020, tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ trong khu vực và cả nước gặp gỡ, chia sẻ để hiểu và yêu thêm con người cũng như mảnh đất này.