Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Lâm Hà (Lâm Đồng): Tình trạng vi phạm san lấp đất ruộng vẫn tiếp diễn

Lê Hường - Tuấn Kiệt - 09:30, 30/12/2019

Mặc dù chính quyền địa phương đã xử lý nhiều trường hợp tự ý san lấp đất ruộng chuyên canh cây lúa để chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh khác, thế nhưng, tình trạng này vẫn tiếp diễn ở một số địa phương trên địa bàn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), khiến diện tích đất lúa ngày càng thu hẹp, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Khu đất trồng lúa trước đây nay người dân đã chuyển đổi trồng dâu
Khu đất trồng lúa trước đây nay người dân đã chuyển đổi trồng dâu

Cánh đồng Kon Tếch Đăng của thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà có khoảng 50ha đất chuyên trồng lúa, nhưng nay người dân lén lút đổ đất san lấp trồng dâu mất hơn một nửa. Theo nông dân Nguyễn Huy Phương, mỗi sào đất người dân phải bỏ ra 60 triệu đồng chi phí san lấp, nhưng trước mắt, nguồn thu từ cây dâu mỗi năm gấp 4 - 5 lần so với cây lúa. Vì trồng dâu hiện tại có lợi hơn cây lúa, nên dù biết sai người dân vẫn cố tình làm.

“Gia đình tôi có gần 3 sào đất lúa ở cánh đồng Kon Tếch Đăng này, năng suất lúa thấp mà đầu tư lại lớn, chủ yếu lấy công làm lãi để trang trải cuộc sống thôi. Trong khi khu vực đất khác người ta trồng dâu lợi nhuận cao gấp mấy lần, nên chúng tôi đã tự làm chứ chính quyền không cho chuyển đổi”, ông Phương phân trần.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng ở thị trấn Đinh Văn cho biết, gia đình ông vốn có 7 sào đất ruộng chuyên canh cây lúa. Thời gian qua, ông thấy nhiều hộ dân trong vùng đua nhau trồng cây dâu tằm cho lợi nhuận rất cao nên đã tự thuê xe chở đất, lấp ruộng lúa và trồng dâu làm thức ăn nuôi tằm lấy kén. Đến nay, ông đã san lấp, trồng 4 sào dâu, diện tích đất lúa còn lại ông đang tiếp tục san lấp mở rộng để trồng dâu.

Ông Dũng thừa nhận: Chúng tôi biết việc tự ý san lấp đất trồng lúa để trồng cây khác là sai, không đúng với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và sẽ bị chính quyền xử phạt, nhưng trồng lúa chẳng đủ ăn nên cũng làm liều.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết: Tình trạng san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn Đinh Văn đã diễn ra mấy năm nay. Chính quyền địa phương lập biên bản đình chỉ và xử phạt vi phạm hành chính với nhiều trường hợp. Nhưng mức xử phạt theo quy định chưa đủ sức răn đe, nên nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm. Chính quyền địa phương cũng đã phân công cán bộ địa chính thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người dân, lúc đến thì họ chấp hành. Nhưng họ lại tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc đêm khuya để san lấp. Trong khi đó, việc xử phạt, thu hồi đất của người dân vi phạm lại rất khó.

Ngoài thị trấn Đinh Văn, nhiều địa phương khác ở huyện Lâm Hà cũng diễn ra tình trạng người dân san lấp đất ruộng để trồng dâu, xây dựng nhà ở trái phép.

Ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà xác nhận: Tại một số địa phương trên địa bàn huyện vẫn diễn ra tình trạng người dân san lấp đất nông nghiệp, đổ nền khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Huyện đang chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý những cá nhân, phương tiện vi phạm san lấp đất nông nghiệp và có các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng trên.


Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.