Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lan toả niềm đam mê đọc sách trong học đường huyện biên giới Chư Prông

Ngọc Thu - 00:05, 25/04/2025

Nhằm nuôi dưỡng và lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh, các cấp, ngành và trường học trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã không ngừng đầu tư, làm mới hệ thống thư viện, bổ sung làm phong phú thêm các đầu sách và tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa đến đông đảo học sinh và thanh thiếu nhi.

Mô hình thư viện xanh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông với không gian thoáng mát đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh
Mô hình thư viện xanh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông với không gian thoáng mát đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh

Được xây dựng từ năm 2019, mô hình Thư viện xanh của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông với không gian thoáng mát, các loại sách được sắp xếp khoa học đã thu hút học sinh đến đọc sách sau những giờ học căng thẳng.

Cô giáo A Siu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng không gian thư viện xanh, gần gũi, hấp dẫn các em học sinh. Các loại sách tại thư viện đều được phân loại theo từng danh mục và sắp xếp theo từng tủ riêng như: sách tham khảo, sách nâng cao, truyện tranh... để các em dễ dàng lựa chọn và tìm kiếm. 

Hằng năm, để làm phong phú thêm các đầu sách, nhà trường đã trích nguồn quỹ, vận động các nhà hảo tâm để lên kế hoạch bổ sung sách phù hợp với chương trình dạy và học. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách.

Nhà trường đã chú trọng bổ sung những đầu sách có nội dung về văn hóa các dân tộc để các em thêm hiểu biết hơn về sắc màu văn hóa Việt Nam
Nhà trường đã chú trọng bổ sung những đầu sách có nội dung về văn hóa các dân tộc để các em thêm hiểu biết hơn về sắc màu văn hóa Việt Nam

Với đặc thù là ngôi trường có nhiều học sinh đồng bào DTTS khác nhau, như Gia Rai, Tày, Mông… vì vậy, nhà trường đã chú trọng bổ sung những loại sách có nội dung về văn hóa các dân tộc để các em thêm kiến thức, hiểu biết hơn về sắc màu văn hóa Việt Nam.

Em Hứa Thanh Thiên (lớp 9B, dân tộc Tày) phấn khởi nói: Em rất thích thư viện của trường, bởi ở đây có không gian mát mẻ, thoải mái. Các loại sách cũng rất đa dạng và được sắp xếp ngăn nắp nên em có thể dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần. "Đọc sách không chỉ giúp em hiểu thêm về văn hoá, phong tục của dân tộc Tày, mà còn biết văn hoá riêng của các dân tộc khác trên đất nước mình. Em thấy việc đọc sách thật bổ ích, ý nghĩa vừa được giải trí, vừa được nâng cao kiến thức, phục vụ cho việc học tập”.

Đọc sách giúp các em giải trí, thư giãn vừa có thêm kiến thức phục tốt cho việc học tập
Đọc sách giúp các em giải trí, thư giãn vừa có thêm kiến thức phục tốt cho việc học tập

Xác định trường học là nơi thể hiện rất rõ chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Chư Prông được đầu tư xây dựng thư viện, nhiều trường còn có thư viện đạt chuẩn và được trang bị nhiều đầu sách. Đồng thời, có thêm góc thư viện tại lớp học để các em học sinh có thể tiếp cận với sách dễ dàng, thuận tiện nhất.

Tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông), thầy giáo Bùi Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, Thư viện nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng văn hóa đọc cho học sinh. Bởi vậy, ngoài việc bổ sung đa dạng các đầu sách và phát triển hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho việc tra cứu của học sinh, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn học sinh đọc, lựa chọn những loại sách, truyện hay phù hợp với lứa tuổi.

Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi như kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, ngày hội đọc sách... Nhờ đó, phong trào đọc sách trong giáo viên và học sinh của nhà trường ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng. Hiện tại trường đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận thư viện đạt chuẩn quốc gia.

Một góc thư viện được sắp xếp khoa học, gọn gàng trong lớp học tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân
Một góc thư viện được sắp xếp khoa học, gọn gàng trong lớp học tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân

Với những cách làm sáng tạo, linh hoạt của các trường học trên địa bàn huyện Chư Prông, đã góp phần phát triển sâu rộng văn hóa trong học sinh, từ đó thúc đẩy việc xây dựng và hình thành xã hội học tập.

Để Văn hóa đọc tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong trường học, bà Phạm Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông thông tin: Các trường học trên địa bàn huyện hiện cũng đã tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và Văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh; nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống. 

Bên cạnh đó, các trường cũng quan tâm, huy động sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để đầu tư các đầu sách, phát huy tối đa nguồn lực, chung tay góp sức xây dựng phong trào đọc sách, hướng tới phong trào học tập và học tập suốt đời.