Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Lan tỏa Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững

Như Tâm - 15:59, 18/04/2025

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 dự kiến diễn ra từ ngày 06 đến 08/5/2025, ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Hướng tới Đại lễ Phật đản, cùng với cộng đồng Phật giáo nói chung, đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lan tỏa Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững. Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự - Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam phụ trách Phân ban Hoằng pháp Phật giáo Nam tông Khmer, xung quanh nội dung này.

Hòa thượng Danh Lung (bên trái), Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự - Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam phụ trách Phân ban Hoằng pháp Phật giáo Nam tông Khmer.
Hòa thượng Danh Lung (bên trái), Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự - Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam phụ trách Phân ban Hoằng pháp Phật giáo Nam tông Khmer

Phóng viên: Thưa Hòa thượng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam vừa ban hành Thông bạch Phật đản Phật lịch 2569 - Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025. Hòa thượng có thể cho biết những nội dung chính của Thông bạch?

Hòa thượng Danh Lung: Ngày 28/02/2025, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký, ban hành Thông bạch Phật đản Phật lịch 2569, gửi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đó, Thông bạch nêu Đại lễ Phật đản, hay còn được biết đến là Vesak, là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hằng năm của Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới. Đại lễ Vesak kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là: Đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn. Đại lễ Vesak đã được Liên Hiệp Quốc có nghị quyết xác lập là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình từ năm 1999. Kể từ đó, Đại lễ Vesak đều được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tại các quốc gia thành viên hằng năm.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” từ ngày 06 đến 08/5/2025, ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Đây là lần thứ 4, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam mang ý nghĩa và tầm vóc vô cùng trọng đại. Đại lễ Phật đản năm nay diễn ra trong không khí tràn đầy hân hoan kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước: Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/42025); Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025). 

Phóng viên: Với đồng bào Khmer, Lễ Phật đản được tổ chức với những nghi thức nào và thông điệp từ những nghi thức đó là gì, thưa Hòa thượng?

Hòa thượng Danh Lung: Lưu truyền qua nhiều thế hệ, Phật giáo Nam tông Khmer trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần, tâm linh của người Khmer, gắn chặt với đời sống người dân Khmer Nam Bộ với những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan đã trở thành nguồn gốc tư tưởng, tác động hình thành nên đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.

Đại lễ Phật đản - kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời; là ngày Lễ kỷ niệm lớn nhất trong năm của Phật giáo, ngày Phật đản hay còn gọi là đại lễ ngày Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn. Vào ngày này, phật tử thường tới chùa cúng trai tăng, nghe pháp, xin thọ trì bát quan trai giới và có các hoạt động như tụng kinh, thọ hạnh đầu đà một đêm hoặc tổ chức nghi thức tắm Phật và rước xe hoa Phật.

Các nghi lễ tổ chức tại chùa Khmer diễn ra đúng nghi thức quy định của Phật đạo và truyền thống của dân tộc, thể hiện tốt ý nghĩa và giá trị Phật đản, đoàn kết hòa hợp, trường dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, phục vụ chúng sinh, thiết thực cúng dường chư Phật. Lễ Phật đản diễn ra với các nghi thức chính: Đốt đèn hoa đăng; Lễ bái Tam bảo; Thọ trì tam quy ngũ giới và bát quan trai giới; Chư tăng thuyết giảng về ý nghĩa Lễ Phật đản; Dâng vêr lễ vật cúng dường Phật đản, tụng kệ kinh tưởng nhớ đến sự kiện trọng đại và tụng kinh cầu an chúc phúc; Nghi thức tắm Phật; Đặt bát hội và cuối cùng dâng vêr trai tăng; Hoàn mãn chương trình.

Tại buổi lễ, các tăng và Phật tử thực hiện các nghi lễ theo sự hướng dẫn của vị chủ trì cuộc lễ, được nghe thuyết giảng về Phật pháp, về cuộc sống, qua đó các tăng và phật tử tự chiêm nghiệm về những hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh, hành vi ngày càng tốt hơn.

Lễ Phật đản tổ chức tại chùa Khmer nhằm gửi thông điệp từ bi, trí tuệ của đạo Phật đến với mọi người. Qua đó, góp phần bảo tồn, tôn vinh di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh của ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ cũng như ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng Thủ đô Hà Nội, góp phần quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế về văn hóa tôn giáo, tinh thần đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định, đặc biệt là các giá trị về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa. Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này, nhất là vai trò của Phật giáo trong việc giáo dục thế hệ trẻ gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer?

Hòa thượng Danh Lung: Để tồn tại và phát triển bền vững thì “đạo và đời phải luôn song hành”; Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó thì Giáo dục Phật giáo luôn là một bộ phận quan trọng của giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho con người Việt Nam nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng. 

Giáo dục Phật giáo sẽ vẫn còn giữ nguyên vai trò và giá trị quan trọng trong thời đại hiện nay, cũng như trước những biến đổi về tình hình kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ có phát triển trong tương lai.

Theo Hòa thượng Danh Lung, Đại lễ Phật đản, hay còn được biết đến là Vesak, là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hàng năm của Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới.
Theo Hòa thượng Danh Lung, Đại lễ Phật đản, hay còn được biết đến là Vesak, là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hằng năm của Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định, đặc biệt là các giá trị về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa. 

Trong đó, với đồng bào dân tộc Khmer, Phật giáo Nam tông đã trở thành đặc trưng văn hóa truyền thống với nền tảng giáo lý vững chắc, với những luân lý đạo đức Phật giáo luôn hướng con người đến những giá trị cao cả: “chân - thiện - mỹ”. 

Những bài học về “vô thường”, “vô ngã, vị tha”, “từ bi hỷ xả”, “an lạc”, “niết bàn”, … đã thấm nhuần trong tâm thức mỗi người dân Khmer Nam bộ. Chính sự ngưỡng vọng này đã làm cho Phật giáo càng gần gũi và có mối quan hệ khăng khít với đời sống cộng đồng, mà trong quan hệ ấy, ngôi chùa Khmer được coi là điểm hội tụ và lan tỏa.

Các ngôi chùa Khmer từ lâu đã trở thành thiết chế văn hóa đặc biệt trong lòng đồng bào dân tộc. Bởi, đây chính là nơi góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa cho cả một cộng đồng. 

Chùa Khmer giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc, vì ở đó bà con có thể tìm thấy chính mình qua những lời giáo huấn của Đức Phật. Đó còn là môi trường để thế hệ trẻ vào tu báo hiếu cha mẹ, học tiếng nói chữ viết, trau dồi kiến thức, phẩm hạnh để trở thành những con người hữu dụng.

Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa giữ nguyên 18 xã biên giới, vùng cao

Thanh Hóa giữ nguyên 18 xã biên giới, vùng cao

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo phương án, sẽ tiến hành sắp xếp 529 đơn vị (gồm 435 xã, 63 phường, 31 thị trấn) thành 166 đơn vị hành chính cấp xã mới, bao gồm: 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Trong đó, có 16 xã, thị trấn giáp biên giới với nước bạn Lào.