Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Làng Chăm lên Tháp

Minh Chiến - 09:14, 16/09/2020

Lễ hội Pô Dam (người Chăm thường gọi là Pô Tằm) của đồng bào Chăm xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được tổ chức 3 năm 1 lần tại nhóm đền tháp Chăm Pô Dam. Có thể nói, đây là dịp hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị thẩm mỹ của nền văn hóa Chăm.

Điệu múa đội nước của thiếu nữ Chăm trong ngày lễ Cầu an trên tháp
Điệu múa đội nước của thiếu nữ Chăm trong ngày lễ Cầu an trên tháp

Mỗi khi lễ hội Pô Dam về, nắng vàng mênh mang trải khắp ruộng đồng, điểm tô màu tươi mới cho tháp Pô Dam huyền bí trên ngọn đồi Ka-đá (còn gọi là núi Ông Xiêm). Làng Chăm thanh bình luôn đầy ắp tiếng cười và tình người đôn hậu, rộn ràng nhộn nhịp vào mùa lễ hội Pô Dam. 

Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc Nguyễn Bá Ky cho biết, đồng bào Chăm giờ đây đã đổi mới cách nghĩ, cách làm ăn hiệu quả bằng việc khai thác tốt lợi thế đất đai và thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại nguồn thu nhập khấm khá nên mỗi khi tổ chức lễ hội thì không khí làng xóm càng tăng thêm vui tươi, phấn khởi. Hiện tại, số nhà xây kiên cố, to đẹp tại làng Chăm ngày càng nhiều. Thế hệ trẻ người Chăm được học hành thành đạt, nhiều người là cán bộ, doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… đang làm việc khắp các tỉnh, thành cũng luôn hướng về ngày hội của làng. 

Vào mùa lễ hội Pô Dam, khắp làng Chăm thật rộn ràng chuẩn bị các lễ vật cho ngày lên Tháp. Người lớn tuổi thì hướng dẫn cho lớp trẻ cách chế biến các loại bánh truyền thống thơm ngon. Số thanh niên nam, nữ khéo tay sắp đặt hoa quả. Các em nhỏ hớn hở, ríu rít bên mẹ… Mâm lễ suy tôn “Thần Thủy lợi” có đầy đủ các loại bánh gừng, bánh tét, bánh ít, xôi... được làm từ gạo nếp, trứng gà qua các bàn tay chế biến tinh xảo, khéo léo của các bà, các cô. Mọi người rất phấn khởi vì giữ gìn được phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, cộng đồng hòa thuận, đoàn kết, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế. 

Điều thấy rõ nhất là mỗi khi đến kỳ lễ hội Pô Dam là làng Chăm Phú Lạc lại khoác lên mình “chiếc áo mới” của sự no ấm, thanh bình hơn. Dù còn khó khăn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng cải thiện nhờ các chương trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội của Nhà nước, nhất là đầu tư về hệ thống thủy lợi, đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, thể thao… 

Sư cả Bích Văn Nhuận (64 tuổi) ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc cho biết, trước đây lễ hội Pô Dam tổ chức thường xuyên hằng năm, thời gian khoảng vài thập niên gần đây, thực hiện chủ trương tiết kiệm nên lễ hội Pô Dam được tổ chức 3 năm 1 lần. Lễ hội Pô Dam theo quan niệm của người Chăm là lễ cầu an (Yôr yang), cầu cho quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, dân làng ấm no và hạnh phúc, đồng thời ghi nhớ công ơn của tổ tiên và các vị thần thánh. 

Lễ hội Pô Dam diễn ra chính thức 2 ngày 1 đêm với nhiều nghi thức mang đậm dấu ấn Bàlamôn giáo, như: Nghi lễ rước y trang, tống ôn, tắm tượng các vị thần, mặc trang phục, cầu an, đại lễ, đốt lửa thiêng, thả bè, lễ múa mừng (Rijà Haray) cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật… Ngoài ra, lễ hội còn có các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian (nhảy bao bố, đập nồi, đội nước, kéo co…) tạo nên bức tranh đầy sắc màu của một nền văn hóa Chăm thật độc đáo.

Chị Nguyễn Thị Sương (40 tuổi), du khách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mỗi khi có lễ hội Pô Dam là tôi và bạn bè về đây dự. Tôi rất thích được khám phá, tìm hiểu văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm”. Theo chị Sương, lễ hội Pô Dam không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em. 

Sư cả Thường Xuân Hữu (75 tuổi), Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn tỉnh Bình Thuận cho biết, lễ hội Pô Dam là chỗ dựa tinh thần để người Chăm vươn lên trong cuộc sống; để đong đầy tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, lao động sản xuất và chung tay xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.