Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Làng Đặng vào Thu

Lê Na - Ngọc Ánh - 10:21, 21/09/2021

Đứng trên một ngọn đồi cao, tôi nhìn bao quát làng Đặng vào Thu. Núi keo, rừng keo vây bọc thung lũng lúa, ngô đang chuyển màu vàng, thấp thoáng những ngôi nhà ẩn mình trong vườn cây ăn trái, hiện lên sự sung túc, ấm no nơi bản làng vùng cao.

Bà Hoàng Thị Hạnh, người Dao làng Đặng bên vườn bưởi sai trĩu quả của gia đình
Bà Hoàng Thị Hạnh, người Dao làng Đặng bên vườn bưởi sai trĩu quả của gia đình

Tiết trời Thu chớm lạnh, đường vào làng Đặng hiu hiu gió. Nhớ cách đây vài chục năm, muốn vào Tân Tiến phải theo đường đất đá ngoằn ngoèo như rắn lượn. Đường vòng vo theo con suối Roằng chảy từ ngọn nguồn Ba Chòm, Ba Sứ ra sông Lô. Mười mấy lần qua suối thì hơn chục đoạn có “trạm BOT” do dân tự xây dựng cầu gỗ qua suối để bán vé thu tiền. Nay, các thôn bản của xã đều có đường bê tông thuận lợi.

Làng Đặng là một bản nhỏ của xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), chủ yếu là đồng bào Dao sing sống. Bà con đã khai hoang lập nghiệp tại đây trên dưới một thế kỷ. Con đường bê tông vượt qua nương đèo, khi thì xuyên giữa thung lũng lúa và đồi rừng. Vùng này nhiều khe nước nên được người dân ngăn giữ nước, tạo hồ đập phục vụ tưới tiêu và nuôi cá. Mấy chục ha lúa nước đang bước vào mùa vàng. Những thửa ruộng kề nhau cao dần thành những bậc thang.

Xưa kia, người Dao ở đây chỉ chuyên canh lúa và ngô, chăn nuôi gà vịt phục vụ bữa ăn gia đình. Thời đó, bà con vẫn còn một số tập tục lạc hậu, làm ăn manh mún, lại thêm tệ nạn cờ bạc nên đói nghèo quanh năm. Khoảng 10 năm trở lại đây, người làng Đặng đã dần chuyển đổi cách nghĩ, cách làm. Không chỉ có cây lúa, ngày nay bà con đã có nhiều việc để làm từ tiềm năng đất đai.

Gia đình ông Trương Văn Nhì trồng 3 ha keo và 1ha tre gốc để bán măng. Vừa rồi gia đình ông bán keo thu được 45 triệu đồng, ông dự tính đến cuối năm bán tiếp đợt keo nữa sẽ có thêm khoảng 100 triệu đồng. Trên đồi rừng, ông trồng một trăm gốc bưởi Soi Hà, bưởi Diễn, đã cho thu hoạch hai vụ. Ngoài ra, ông nuôi cá trên diện tích 200 mét vuông và cùng em trai Trương Văn Ba đắp đập nuôi cá trên diện tích 8 sào mặt nước. Ngô lúa - nguồn lương thực của gia đình luôn dư thừa.

Hầu như hộ nào ở làng Đặng cũng lấy rừng làm điểm tựa. Cả làng có đến trên năm chục ha keo. Đất đồi rừng nhiều nên cây keo phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Đó là nguồn nguyên liệu cho 5 xưởng bóc gỗ và băm dăm tại địa phương và nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh. Cây keo đã mang về nhà xây kiên cố và nhiều đồ dùng có giá trị cao cho dân làng. Điển hình như gia đình anh Trương Văn Sinh có 4 ha; ông Bàn Văn Thử có 5 ha; ông Bàn Văn Phú có 7 ha.

                                                             

Bên trong ngôi nhà của gia đình bà Nông Thị Kiến
Bên trong ngôi nhà của gia đình bà Nông Thị Kiến

Tôi xách máy ảnh bước vào một ngôi nhà sàn xây kiên cố, đẹp mắt. Ngôi nhà tựa lưng vào núi, nhìn ra cánh đồng lúa. Trong nhà, bà Nông Thị Kiến (85 tuổi) đang chuẩn bị bữa trưa. Nhà bà rộng rãi, có thể tiếp cả trăm người cùng lúc. Sàn lát gạch hoa đẹp, xung quanh thưng ván. Bà Kiến cho biết, toàn bộ tiền làm nhà hết 700 triệu đồng. Ngôi nhà được con trai bà là Đặng Văn Thắng (44 tuổi) làm năm 2017. Hỏi thêm mới biết, Thắng có một rừng keo. Không những vậy, Thắng còn đi mua keo của dân làng bán cho các nhà máy, xưởng chế biến gỗ. Ngoài ra, Thắng đầu tư chăn nuôi dê và trâu bò, khi nhiều lên đến cả trăm con…

Lúa ngô xanh thắm đồi nương
Lúa ngô xanh thắm đồi nương

Một hướng đi nữa của người Tân Tiến đó là nuôi ong. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư cho xã Tân Tiến 200 đàn ong giống Ba Vì, qua một năm đã phát triển lên 500 đàn. Toàn xã hiện có khoảng trên 2.000 đàn ong bản địa và ong Ba Vì. Trong số này, làng Đặng có hai hộ nuôi ong cho thu nhập khá. Đó là anh Bàn Văn Khương có 160 đàn và Trương Văn Sinh có 50 đàn. Mỗi năm, Tân Tiến có khoảng 16.000 lít mật ong bán ra thị trường. Địa bàn tiêu thụ mật ở nhiều nơi trong tỉnh và những tỉnh lân cận như Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Xa hơn như thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định…

Trò chuyện với anh Trương Văn Sinh, được biết: Ong ở đây được đi "du lịch" qua các vùng hoa đặc sản theo từng thời vụ. Mùa Xuân ấm áp, ong ở địa phương lấy mật từ hoa bưởi và vườn rừng. Sau đó ong lên vùng hoa nhãn ở Vinh Quang, Chiêm Hóa. Rồi đến mùa hoa keo lại về quê nhà. Suốt mùa Thu, ong ngược lên Cao nguyên đá Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hút mật hoa bạc hà và cỏ gai. Những người nuôi ong cũng sống du mục qua những miền hoa thơm, mật ngọt. Họ cũng phải chăm chỉ như con ong thợ tìm hoa, lấy mật.

Đứng trên một ngọn đồi cao, tôi nhìn bao quát làng Đặng vào Thu. Núi keo, rừng keo vây bọc thung lũng lúa, ngô đang chuyển màu vàng, thấp thoáng những ngôi nhà  ẩn chìm trong vườn cây ăn trái. Những hàng cột điện đi ngang mùa lúa trĩu bông. Dưới chân đồi, những nguồn nước trong veo tuôn chảy vừa hối hả vừa yên bình xuôi về suối Roằng. Làng Đặng đang cùng các thôn bản đã góp phần đưa Tân Tiến đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.