Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Lạng Sơn: Áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị nông sản

Nghĩa Hiệp - 20:14, 18/11/2019

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp… Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm nông sản đã được đẩy mạnh, nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã có 2 sản phẩm nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhiều sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Các sản phẩm từ hồi của huyện Văn Quan được tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Các sản phẩm từ hồi của huyện Văn Quan được tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Để phát triển vùng chuyên canh theo quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm thực hiện cơ chế, chính sách như: Khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Tạo điều kiện để doanh nghiệp có quỹ đất; cấp vốn tham gia đầu tư vào các loại cây thế mạnh. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng người nông dân sản xuất theo kế hoạch, tăng cường đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho lao động nông nghiệp; định hướng phát triển các loại cây nguyên liệu đúng vùng lựa chọn với quy mô đã duyệt để phát triển bền vững.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nà Chuông - ông Hoàng Văn Thịnh, cho biết: “HTX được thành lập năm 2007. Từ khi thành lập, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ của các ban, ngành tỉnh Lạng Sơn. Từ giống cây, phân bón đến kỹ thuật trồng rau an toàn (RAT) theo hướng VietGAP, HTX đều được tỉnh cung ứng miễn phí, bảo đảm chất lượng. Bình quân mỗi vụ, HTX cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn rau các loại, đem lại thu nhập cho hộ gia đình xã viên mỗi vụ rau từ 15 triệu đồng trở lên”. Đến nay, HTX Nà Chuông có 47 hộ dân với 88 thành viên tham gia trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và dần trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 8 vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, trong đó có các loại nông sản điển hình vùng chuyên canh như: Cây hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia và Văn Lãng với tổng diện tích hơn 34 nghìn ha, sản lượng bình quân hằng năm trên 10 nghìn tấn hồi khô, tổng doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chưa tính các dịch vụ và sản phẩm qua chế biến; Na của huyện Chi Lăng với diện tích trên 1.500ha, sản lượng hằng năm ước đạt trên 27.000 tấn (15.000 tấn đạt tiêu chuẩn VietGAP, 12.000 tấn được cam kết bảo đảm chất lượng an toàn), giá trị kinh tế trên 300 tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về một số loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: Hồng vành khuyên, thạch đen, gỗ thông, cây dược liệu… Theo báo cáo năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lạng Sơn, tổng sản lượng nông sản toàn tỉnh ước tính đạt trên 6.400 tỷ đồng/năm.

Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT, cho biết: “Đạt được kết quả nêu trên là do tỉnh đã xây dựng và phát huy hiệu quả vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó tích cực giúp đỡ doanh nghiệp, HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh”.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ cấu cây trồng trên địa bàn, phát triển dự án 1.200ha chè tại huyện Đình Lập, đưa những nông sản thế mạnh của địa phương vào Chương trình OCOP. Đồng thời chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hồi, na ra thị trường châu Âu và các nước Bắc Mỹ, Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.